Thẩm quyền dừng xuất cảnh và các biện pháp hóa giải

07/03/2024

Thẩm quyền dừng xuất cảnh và các biện pháp hóa giải

Thẩm quyền dừng xuất cảnh và các biện pháp hóa giải

Luật quy định như thế nào?

Điều 21 trong Nghị Định số 136/2007/NĐ-CP quy định về lĩnh vực xuất cảnh và nhập cảnh của công dân Việt Nam xác định có 7 đối tượng có thể chưa được xuất cảnh như sau:

“1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.”

Về người và cơ quan có thẩm quyền quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì được quy định trong Khoản 1 của Điều 22 của cùng Nghị Định này. Cụ thể, những công dân thuộc đối tượng 1, 2 và 3 chỉ có thể bị dừng xuất cảnh bởi Cơ Quan Điều Tra, Viện Kiểm Sát, Tòa Án hoặc Cơ Quan Thi Hành Án các cấp (Điểm a).

Những công dân thuộc đối tượng 4 chỉ có thể bị dừng xuất cảnh bởi Bộ Trưởng các Bộ, Thủ Trưởng các cơ quan ngang Bộ bao gồm cả Thủ Trưởng Cơ Quan trực thuộc Chính Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp Tỉnh (Điểm b).

Những công dân thuộc đối tượng 5 chỉ có thể bị dừng xuất cảnh bởi Bộ Trưởng Bộ Y Tế (Điểm c).

Chỉ có duy nhất Bộ Trưởng Bộ Công An là người có thẩm quyền quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những công dân bị coi là đối tượng ghi tại Khoản 6 nêu trên (Điểm d)

Những công dân thuộc đối tượng 7 thì chỉ có thể bị dừng xuất cảnh bởi Cục Trưởng Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh thuộc Bộ Công An (Điểm đ).

Về trình tự, thủ tục và trách nhiệm pháp lý của người hoặc cơ quan ra quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì họ phải thực hiện đầy đủ các quy định tại Khoản 2, 3 và 4 của Điều 22 Nghị Định này. Họ phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh thuộc Bộ Công An nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện. Khi hủy bỏ quyết định đó cũng phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh thuộc Bộ Công An để thực hiện. Quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải được thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh. Người quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Thực trạng

Quy định của luật rõ ràng là vậy nhưng trên thực tế hầu hết các trường hợp công dân bị tạm dừng xuất cảnh đều do quyết định của Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh thuộc Bộ Công An. Ngay như trường hợp công dân chưa được cho xuất cảnh vì lý do an ninh người ta cũng không thấy ông Bộ Trưởng Bộ Công An ký quyết định. Điều này cho thấy sự lạm dụng quyền lực của Bộ Công An và ngay trong chính nội bộ của họ cũng có sự phân định lại quyền lực bất chấp các quy định của pháp luật.

Hơn thế, cũng chưa có công dân nào nhận được văn bản thông báo và giải thích lý do cho biết đã bị quyết định chưa cho xuất cảnh. Họ chỉ biết mình là đối tượng không thể ra nước ngoài được khi thực hiện một chuyến đi nào đó và chỉ lúc đó mới nhận được biên bản tạm dừng xuất cảnh. Hậu quả là người đó bị lỡ những công việc đã dự tính và tình trạng không thể dùng mỹ từ “chưa được xuất cảnh” như Nghị Định này đặt ra mà phải nên gọi là “bị cấm xuất cảnh”.

Cần làm gì khi quyền đi lại của mình bị xâm phạm

Khi người dân bị cấm xuất cảnh mà bị ảnh hưởng tới các quyền và lợi hợp pháp của mình thì đều có quyền khiếu nại để yêu cầu các công chức và cơ quan nhà nước bồi thường những thiệt hại do họ gây ra khi họ đã thực hiện một hành vi công vụ trái phép. Nghĩa vụ của cán bộ công chức và các cơ quan nhà nước là phải giải quyết thoả đáng các khiếu nại hợp pháp của công dân. Hai điều này đã được ghi rõ trong Luật Khiếu Nại.

Tuy nhiên, với một chính quyền độc tài thì việc chỉ dùng luật thôi sẽ không thể giải quyết được vấn đề mình gặp phải. Do đó, khi gặp phải vấn đề bị chính quyền cố tình làm trái luật đối với mình, người dân phải biết vừa đấu tranh pháp lý đồng thời phải biết tranh thủ áp lực quốc tế làm trọng tài cho quá trình đấu tranh pháp lý của mình. Hai biện pháp này phải được tiến hành song với để bổ trợ cho nhau thì mới đạt kết quả. Cũng cần phải nhận thức rằng việc đấu tranh pháp lý kết hợp với tranh thủ áp lực quốc tế để giải quyết một tình trạng mang tính hệ thống là một giải pháp mang tính xã hội. Nghĩa là sự thay đổi chỉ đến được sau một quá trình tích luỹ về lượng của số đông người cùng có ý thức hành động theo một công thức chung. Riêng với mỗi cá nhân, để giảm thiểu tác hại của biện pháp cấm xuất cảnh, chúng ta cần chủ động làm giảm uy lực hoặc thậm chí là vô hiệu hoá biện pháp này bằng các cách chủ động tương tác với các đối tác của mình thông qua sự phát triển của khoa học kỹ thuật về viễn thông và internet. Đây là một cách đạt hiệu quả ngay tức thì bởi chính quyền khó có thể kiểm soát được mình.

Ba Khía

Có thể bạn cũng quan tâm:

Đang tải

Được xem nhiều

Luật Nào Cho Phép Trục Xuất Cô Lê Thu Hà?

“Lê Thu Hà là công dân của nước Việt Nam, cô không có quốc tịch nào khác. Một quốc gia khước từ, không cho công dân của mình nhập cảnh là một hành vi vi phạm Công pháp quốc tế“.

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất mất tích ở Thái Lan

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, blogger nổi tiếng với trang cá nhân “Một góc nhìn khác,” đã bị mất tích ở Thái Lan.

Theo trang web The Vietnamese, blogger Trương Duy Nhất được nhìn thấy lần cuối cùng vào ngày 25/01/2019 khi đăng ký xin tỵ nạn tại Văn phòng Cao uỷ về Người Tỵ nạn ở thủ đô Bangkok.

Đang tải

Được đánh giá cao

Đang tải