Đào Tạo Lãnh Đạo: Cấp 1 – Tìm Giải Pháp

Tìm Giải Pháp – Dẫn Nhập

Có một câu nói hay: Trước mỗi vấn đề, người tích cực luôn luôn đi tìm giải pháp; trước mỗi giải pháp, người tiêu cực luôn luôn nêu ra thêm nhiều vấn đề.

Các quốc gia phát triển đều là các quốc gia có văn hoá tìm giải pháp. Thay vì chê trách hay than vãn về một tệ trạng, con người ở đó thi thố tài năng để tìm đáp số hoặc lối thoát. Một điều hết sức hiển nhiên là đất nước nào tích cực đi tìm giải pháp thì đất nước ấy chuyển động để hướng về phía trước. Ngược lại, một dân tộc mà chỉ biết than vãn, thay vì hành động cho một giải pháp, thì sẽ đứng yên một chỗ — thực ra là bị thụt lùi khi thế giới tiến bước.

Để xã hội Việt Nam phát triển, chúng ta cần đào tạo người dân về tư duy và kỹ năng tìm giải pháp.

Chúng ta đều biết rằng tìm giải pháp thì khó hơn nhiều so với bình luận hay thở than. Vậy thì liệu có một quy trình hoặc một công thức mẫu nào cho việc tìm giải pháp hay nó chỉ là sự cầu may hoặc một phát kiến bất chợt?

Câu trả lời là mỗi một giải pháp đề ra đều tuỳ thuộc nhiều yếu tố như khả năng tư duy, khả năng trực giác, kinh nghiệm từng trải… của người đi tìm giải pháp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ giới thiệu một quy trình lô gích để tăng triển vọng tìm ra giải pháp thích đáng.

Quan trọng không kém, ứng dụng quy trình này trong đời sống hàng ngày sẽ giúp chúng ta phát huy tập quán và khả năng tìm giải pháp.

Quy Trình Tìm Giải Pháp

Muốn nắm được quy trình này, trước hết chúng ta phải hiểu rõ một số khái niệm:

  • Đối tượng phục vụ, còn gọi tắt là đối tượng: Khi nhận diện một vấn đề, chúng phải biết rõ đấy là vấn đề của ai, nhóm nào. Như một bác sĩ chữa bệnh thì phải biết đích xác bệnh nhân là ai.
  • Vấn đề hệ thống: Chỉ những vấn đề mang tính hệ thống mới đòi hỏi một quy trình tìm giải pháp. Một vấn đề không mang tính hệ thống chỉ cần đối phó một lần là xong. Ở đây, một vấn đề có hệ thống cũng được gọi là vấn nạn.
  • Mục đích và tầm nhìn, còn gọi là viễn kiến: Nếu vấn nạn là điểm khởi hành thì mục đích là điểm đến của giải pháp. Điểm đến ấy thường xa xôi, có khi phải mất nhiều thế hệ mới đạt đến. Tầm nhìn hoặc viễn kiến mô tả hoặc phác họa trạng thái của đối tượng phục vụ khi họ đạt mục đích.
  • Mục tiêu: Vì mục đích thường xa xôi, khi hành động chúng ta cần đề ra các mục tiêu cụ thể cho trường kỳ, trung kỳ và đoản kỳ. Có 2 loại mục tiêu: Mục tiêu phúc lợi thể hiện những phúc lợi mà đối tượng phục vụ đạt được; mục tiêu xuất liệu là kết quả của những nỗ lực của chúng ta, cần thiết nhưng chưa đủ vì chưa đem lại phúc lợi cho đối tượng phục vụ.
  • Sách lược: Sách lược là một kế hoạch lớn và dài hạn nhằm tác động đến một căn nguyên của một vấn nạn.
  • Đại sách lược: Tổng thể mọi sách lược cần thiết để tác động cùng lúc đến tất cả các căn nguyên của một vấn nạn.
  • Kế hoạch: Kế hoạch là chiến lược để đạt các mục tiêu trường kỳ, trung kỳ hay đoản kỳ theo lộ trình thực hiện sách lược.
  • Phương án: Phương án là kế hoạch để đạt một mục tiêu phúc lợi. Thường, muốn đạt một mục tiêu phúc lợi thì trước đó phải đạt nhiều mục tiêu xuất liệu — xuất liệu là thành quả của công việc, cần thiết nhưng chưa đủ để tạo phúc lợi cho đối tượng phục vụ.
  • Chương trình hành động: Chương trình hành động là bảng công tác cụ thể với thời điểm và sự phân công rõ ràng nhằm đạt các mục tiêu.

Các Công Cụ Hỗ Trợ

Chúng ta cũng sẽ học cách sử dụng một số công cụ hỗ trợ cho quy trình tìm giải pháp. Tất cả các công cụ này giúp người sử dụng thiết lập những chuỗi quan hệ nhân-quả để bảo đảm rằng chương trình hành động sẽ tác động đến một hay nhiều căn nguyên của một vấn nạn. Hoặc nhìn từ hướng ngược lại, các công cụ này giúp triển khai tầm nhìn trừu tượng thành chuỗi các hành động cụ thể trong một sách lược bao quát:

  • Cây vấn đề: Đây là công cụ để truy ra chuỗi quan hệ nhân-quả dẫn từ nguyên nhân gốc đến vấn nạn (tức thân cây) và từ vấn nạn đến các hiện tượng thể hiện nơi những thành phần đối tượng đặc thù. Cây vấn đề giúp chọn đúng việc. Đúng việc nghĩa là tác động đến căn nguyên. 
  • Biểu đồ chuyển đổi: Xây dựng từ cây vấn đề, công cụ này giúp người sử dụng đề ra những sách lược lớn nhằm tác động đến các căn nguyên của vấn nạn, nhằm chuyển đổi hiện trạng. Công cụ này giúp chọn đúng cách.
  • Mô hình logic: Đây là công cụ để chuyển từ sách lược hoặc đại sách lược sang kế hoạch hành động cụ thể cho từng giai đoạn. Mỗi kế hoạch hành động lại được triển khai thành phương án hành động tổng quát và chương trình hành động tương ứng với từng mục tiêu cụ thể.
  • Phương án logic: Công cụ này phác hoạ mảng công việc và các mục tiêu xuất liệu cần thiết để đạt một mục tiêu phúc lợi.
  • Bảng chương trình hành động: Đây là bảng công tác chung của nhóm hành động hay toán công tác, với thời điểm và sự phân công rõ ràng nhằm đạt các mục tiêu trong cùng một quãng thời gian. Khi bắt tay vào việc, mỗi thành viên trong nhóm sẽ rút ra những việc của riêng mình thành bảng công tác cá nhân.

Theo định nghĩa của chương trình đào tạo này, giải pháp là lộ trình dẫn từ vấn nạn đến tầm nhìn; lộ trình ấy được thể hiện qua mô hình logic, phương án và chương trình hành động.

Sau khi đề ra giải pháp là giai đoạn thực thi và đánh giá giải pháp. Các phần này thuộc loạt bài giảng sau của chương trình huấn luyện.

Video Tham Khảo

Để hiểu rõ hơn về các khái niệm và nội dung kiến thức nói trên, xin mời các bạn tham khảo video dưới đây:

Đọc Thêm

Muốn Thay Đổi Việt Nam, Cần Một Sách Lược Chung

TS Nguyễn Đình Thắng

Trong 35 năm qua, nỗi trăn trở của nhiều người Việt ở trong nước cũng như ở hải ngoại là sớm đem nền dân chủ đến cho Việt Nam. Nỗi trăn trở này sẽ tăng triển vọng thành tựu nếu như có một sách lược chung để mỗi người, mỗi nhóm với sở nguyện và vai trò riêng vẫn góp phần cho việc chung. Theo tôi, sách lược chung này phải bao gồm những chủ điểm sau:

(1) Vun bồi nền móng cho xã hội dân sự ở Việt Nam;

(2) Tập trung nhân, tài, vật lực vào một số trọng tâm trung hạn có tác động vĩ mô; và

(3) Phát triển hậu phương: cộng đồng Việt ở hải ngoại.

Thời gian ước lượng để thực hiện sách lược này là 10 năm.

(1) Xây Dựng Xã Hội Dân Sự

Thay đổi chế độ không nhất thiết đem lại dân chủ, nếu như không có sẵn nền móng vững chắc cho dân chủ. Nền móng ấy chính là xã hội dân sự, nơi mà người dân tự tập hợp để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của chính mình, góp phần phát triển xã hội, và ảnh hưởng chính sách quốc gia. Muốn có dân chủ thì ngay bây giờ phải vun bồi cho một xã hội dân sự tương lai. Sự vun bồi ấy có ba trọng điểm: đào tạo nhân sự, nới rộng không gian hoạt động, và thiết lập tập quán sinh hoạt chân chính và trong sáng trong xã hội. Muốn có xã hội dân sự thì trước hết phải có những người có khả năng thành lập và điều hành một tổ chức cũng như có kinh nghiệm đối tác và hợp tác giữa các tổ chức. Về điểm này người mình có rất nhiều điều cần học hỏi nơi những người bạn Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Cambốt, v.v. Chúng ta phải tạo những cơ hội học hỏi đó. Các nhân sự này cần môi trường để phát huy tác dụng. Muốn vậy, chúng ta cần thúc đẩy, bằng nhiều cách thức khác nhau, những thay đổi chính sách ở trong nước để ngày càng mở rộng vòng đai an toàn cho những người hoạt động. Vòng đai này trong ba năm qua đã bị thu ngày càng nhỏ. Nếu không có khoảng không gian thao tác, thì nhân sự dù có khả năng và kinh nghiệm cũng đành bó tay. Sự chân chính và trong sáng là yếu tố cần thiết để xây dựng xã hội dân sự vì niềm tin giữa con người với nhau chính là chất keo sơn gắn bó cá nhân và giúp các tổ chức hợp tác với nhau một cách lâu bền. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại có nhiều lợi thế để thúc đẩy và phát huy tập quán ấy cho xã hội Việt Nam, nhưng đến giờ vẫn chưa quan tâm đủ về việc này.

(2) Tập Trung và Tác Động Vĩ Mô

Thiếu tầm nhìn chiến lược thì chúng ta dễ rơi vào trạng thái đa đoan nên thiếu tập trung, phản ứng nên thiếu chủ động. Hậu quả là mỗi khi có biến động, dù mang tính cách chính trị hay nhân đạo, thì mọi người dồn nhau đối phó, từ biến động này sang biến động khác cho đến sức cùng lực kiệt. Chính vì thế mà phần lớn công sức của chúng ta, nhìn chung, đã chỉ là những nỗ lực rời rạc, ngắn hạn, và hời hợt-chưa kịp có kết quả, chúng ta đã vội chuyển sang việc mới. Để thay đổi tình trạng này, sách lược chung cho cộng đồng cần đề ra một số trọng tâm đường dài.

Các trọng tâm này phải mang một đặc tính chung: thành quả tích luỹ phải tạo ảnh hưởng ở tầm vĩ mô, nghĩa là tạo nên những thay đổi về hệ thống. Bằng không thì chúng ta chỉ đối phó với hậu quả, xoa dịu triệu chứng. Ví dụ, dùng tiền hải ngoại để đối phó với các vấn nạn xã hội trong nước thì giống như lấy gáo múc nước mà chữa đám cháy lớn. Còn như dùng cũng đồng tiền ấy để đặt điều kiện bất khả tương nhượng về nguyên tắc chân chính và trong sáng trong việc tiếp thu và sử dụng nó thì sẽ có tác động vĩ mô; thay đổi cung cách hành sử của người ở trong nước. Hoặc hay hơn, chúng ta có thể dùng đồng tiền đó để vận động nới rộng hoạt động từ thiện và xã hội cho các cơ sở tôn giáo, tạo điều kiện để người dân trong nước dùng nội lực để tự giải quyết những nhu cầu của chính họ và giảm dần lệ thuộc vào hải ngoại.

Dưới đây là bốn trọng tâm trung hạn có tác động vĩ mô mà tôi đề nghị cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại trong 3 năm tới.

  • Phát triển tự do tôn giáo: Các tổ chức giáo hội chính là nhũng hạt mầm của xã hội dân sự sau này. Một mặt, nhân sự của các giáo hội cần được trau luyện về kỹ năng lãnh đạo, quản trị, vận động, và tổ chức đễ họ có thễ thực hiện hữu hiệu hơn những công tác có sẵn. Mặt khác, quyền tự do hoạt động tôn giáo cần được từng bước nới rộng vào các lãnh vực cứu tế, xã hội, giáo dục, y tế, truyền thông… Muốn vậy, chúng ta cần tận khai thác thế tựa là các công ước về nhân quyền, dân quyền, và luật Hoa Kỳ về tự do tôn giao quốc tế.
  • Bảo vệ người lao động ngoài nước: Hàng trăm ngàn công nhân Việt đang lao động ở ngoại quốc cần được trang bị kiến thức về quyền, về luật, về hệ thống công đoàn ở quốc gia sở tại. Họ cần đuợc trang bị kỹ năng tập hợp, kết hợp, kết nối, điều đình, thông tin, tự cứu, Đồng thời, chúng ta cần cung cấp cho họ những trợ giúp về pháp lý để tự bảo vệ quyền và lợi ích, Như vậy, trong thời gian 3 năm lao động ở ngoài nước, các công nhân sẽ học hỏi được thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để thăng tiến bản thân và sau này góp phần vào việc xây dựng xã hội dân sự. Để nới rộng không gian hoạt động của họ, chúng ta có thể tận khai thác luật quốc tế, luật Hoa Kỳ cũng như luật của ngày càng nhiều quốc gia về chống buôn người.
  • Nối kết nhân sự và tổ chức: Cách tốt nhất để phát huy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sinh hoạt xã hội dân sự là thực tập với những người và tổ chức đã rành rẽ. Những người và tổ chức như vậy không hiếm. Trong các quốc gia láng giềng với Việt Nam hiện có hàng trăm tổ chức xã hội dân sự lãnh đạo bởi hàng ngàn người đầy kinh nghiệm. Chúng ta cần nối kết các nhân sự và tổ chức Việt Nam với các tổ chức xã hội dân sự trong vùng để qua đó có thể học hỏi và sau này có thể hợp tác. Sự kết hợp ngày càng rộng này cũng sẽ có tác động nới rộng khoảng không gian an toàn cho các nhân sự và tổ chức Việt Nam ở trong nước.
  • Bảo vệ cho những nhân sự gặp nguy nan: Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, dù hoạt động ôn hoà nhằm xây dựng một tương lai chung cho dân tộc vẫn có thể bị nguy nan. Những người dấn thân chấp nhận nguy nan cần được bảo vệ. Sự bảo vệ tốt nhất là tránh không lôi kéo họ vào những hoạt động của các đảng phái chính trị nhằm giữ cho họ thế đứng độc lập–điều này đòi hỏi các đảng chính trị đặt quyền lợi lâu dài của cả dân tộc trên quyền lợi ngắn hạn của riêng mình. Khi một nhân sự đã lâm vào nguy nan thì chúng ta phải can thiệp để họ được an toàn nhờ sự theo dõi của quốc tế, và nếu cần, qua con đường tị nạn trực tiếp từ Việt Nam hay sau khi họ đã vượt thoát sang một quốc gia láng giềng. Không những vậy chúng ta cần tạo điều kiện để khi họ không còn ở Việt Nam thì vẫn có cơ hội tiếp tục hoạt động.

Có rất nhiều công tác cho mỗi trọng tâm. Mỗi người, mỗi nhóm có thể chọn một công tác và đeo đuổi cho đến khi gặt hái kết quả, có thể thực hiện trong sự nối kết hay tiến hành song song với nhau. Được vậy thì nhân, tài, vật lực của cộng đồng sẽ quy tụ vào những trọng tâm cần thiết trong một thời gian đủ dài để tạo được sự thay đổi.

(3) Phát Triển Hậu Phương

Trong 35 năm qua, cộng đồng Việt đã không để ý đến việc xây dựng nội lực. Tuyệt đại đa số các dự án, các chương trình, các kế hoạch, các cuộc gây quỹ đều đổ dồn về cho Việt Nam. Sự chểnh mảng này làm cho cộng đồng chúng ta kém về tổ chức, yếu về năng lực và vô hình, vô thanh trong dòng chính bản xứ. Khi tự mình đứng chưa vững thì không thể nào đóng góp thiết thực cho đồng bào cách nửa vòng địa cầu. Đó là tình trạng lực bất tòng tâm của chúng ta hiện nay. Do đó, tổ chức, và phát triển cộng đồng người Việt ở hải ngoại không những là trách nhiệm lương tâm đối với biết bao đồng hương đang khao khát sự giúp đỡ, là trách nhiệm ân nghĩa đối với xã hội đã cưu mang chúng ta, mà còn là xây dựng hậu phương yểm trợ và nuôi dưỡng trường kỳ cho nỗ lực đem lại dân chủ cho Việt Nam.

Tham khảo:

Thông điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm – BPSOS 2010

Trong một bài sau tôi sẽ đề nghị những trọng tâm để tạo thế và lực cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

Có thể bạn cũng quan tâm:

Đang tải

Được xem nhiều

Luật Nào Cho Phép Trục Xuất Cô Lê Thu Hà?

“Lê Thu Hà là công dân của nước Việt Nam, cô không có quốc tịch nào khác. Một quốc gia khước từ, không cho công dân của mình nhập cảnh là một hành vi vi phạm Công pháp quốc tế“.

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất mất tích ở Thái Lan

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, blogger nổi tiếng với trang cá nhân “Một góc nhìn khác,” đã bị mất tích ở Thái Lan.

Theo trang web The Vietnamese, blogger Trương Duy Nhất được nhìn thấy lần cuối cùng vào ngày 25/01/2019 khi đăng ký xin tỵ nạn tại Văn phòng Cao uỷ về Người Tỵ nạn ở thủ đô Bangkok.

Đang tải

Được đánh giá cao

Đang tải