- Vấn đề phải đặt ra khi Việt Nam qua kiểm điểm về quyền dân sự và chính trị
Mạch Sống, ngày 7 tháng 1, 2019
Một trong các nghĩa vụ của quốc gia ký công ước Liên Hiệp Quốc về nhân quyền là phổ biến nội dung của công ước trong ngôn ngữ quốc gia. Để thực thi nghĩa vụ này, nhà nước Việt Nam đã dịch và đăng tải Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị — International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR). Ngày 11 và 12 tháng 3 tới đây, LHQ sẽ kiểm điểm Việt Nam về thực thi công ước này.
Trong “Danh Sách các Vấn Đề” (List of Issues, hoặc LOIs) mà Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ gửi cho chính phủ Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm về thực thi ICCPR, vấn đề hàng đầu được nêu lên là việc “nội luật hoá” các cam kết quốc tế trong Hiến pháp và khung pháp lý (chiếu theo điều 2 của Công Ước). Theo tổ chức BPSOS, trước hết LHQ cần kiểm chứng sự chính xác của bản dịch này vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình “nội luật hoá” và thực thi các cam kết quốc tế, và nội dung của bản báo cáo giải trình với LHQ.
Để giúp cho Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ, cơ quan sẽ thực hiện cuộc kiểm điểm kể trên, BPSOS đã đối chiếu bản dịch của nhà nước Việt Nam với bản gốc tiếng Anh.
“Chúng tôi đã phát hiện một số điểm dịch sai đáng kể so với nội dung gốc,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nói. “Dù cố ý hoặc vô tình, những điểm dịch sai này cần phải được điều chỉnh và phải được đưa vào nội dung của cuộc kiểm điểm.”
Đây sẽ là một trong các vấn đề sẽ được BPSOS bao gồm trong bản báo cáo thay thế nộp cho Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ trước cuộc kiểm điểm.
Ts. Thắng bày tỏ mối quan tâm là có thể các văn kiện LHQ khác cũng đã bị dịch sai.
Các điểm dịch sai có thể ảnh hưởng đến việc thực thi công ước
Điều 4:
Bản dịch đã chỉnh sửa:
1. Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của quốc gia và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp giảm các nghĩa vụ của mình chiếu theo Công ước này, trong chừng mực đòi hỏi nghiêm ngặt bởi nhu cầu khẩn cấp của tình hình với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội.
Bản dịch của nhà nước Việt Nam:
1. Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của quốc gia và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp hạn chế các quyền nêu ra trong Công ước này, trong chừng mực do nhu cầu khẩn cấp của tình hình, với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội.
Giải thích:
Điều 4 cho phép các quốc gia đã ký công ước, trong tình trạng khẩn cấp đe doạ đến sự sống còn của quốc gia, giảm đi các nghĩa vụ của chính quyền trong việc thực thi công ước, với điều kiện:
- Sự giảm nhẹ nghĩa vụ này chỉ được áp dụng trong chừng mực hết sức cần thiết do nhu cầu khẩn cấp của tình hình;
- Những biện pháp giảm nhẹ này không trái với những nghĩa vụ khác về cam kết quốc tế;
- Những biện pháp này không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội.
Theo đó thì nhân quyền của người dân vẫn nguyên vẹn; chỉ có nhà nước có thể giảm nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và phát huy các quyền ấy. Trong khi đó, bản dịch của nhà nước Việt Nam lại đổi nội dung thành việc quyền con người có thể bị thu hẹp.
Điều 9:
Bản dịch đã chỉnh sửa:
4. Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền sử dụng thủ tục tố tụng trước toà án, nhằm mục đích để toà án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp.
5. Bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp đều có quyền, mà quyền đó có hiệu lực thực thi, được bồi thường.
Bản dịch của nhà nước Việt Nam:
4. Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước toà án, nhằm mục đích để toà án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp.
5. Bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp đều có quyền được yêu cầu bồi thường.
Giải thích:
Nội dung gốc khẳng định là mọi người bị bắt hoặc giam giữ đều có quyền sử dụng thủ tục tố tụng trước toà án và nếu sự bị bắt hoặc giam giữ là bất hợp pháp thì có quyền được bồi thường. Trong khi đó bản dịch của nhà nước Việt Nam đã đổi thành “yêu cầu được xét xử” và “được yêu cầu bồi thường”, thể hiện thái độ xin – cho thay vì là quyền đương nhiên. Điểm này được lập lại tại Điều 14.6.
Điều 12:
Bản dịch đã chỉnh sửa:
3. Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định, cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đức lý công cộng hoặc các quyền và các tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.
Bản dịch của nhà nước Việt Nam:
3. Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.
Giải thích:
Trong bản gốc, chữ “public morals” (đức lý công cộng) đã bị dịch sai thành “đạo đức xã hội”. Đức lý công cộng là những quy tắc ứng xử tại nơi công cộng, như là khách không được ăn mặc hở hang tại các nơi thờ phượng, cán bộ không được phì phèo thuốc lá khi tiếp dân, v.v. Còn đạo đức xã hội là hệ thống giá trị áp đặt lên toàn xã hội mà mọi người phải tuân thủ. Dịch sai, cho phép nhà nước Việt Nam viện dẫn hệ thống giá trị này để hạn chế quyền tự do tư tưởng, lương tâm hoặc tôn giáo, như là không được nói xấu lãnh tụ, không được phê phán lãnh đạo, không được đi ngược chủ trương đoàn kết dân tộc.. Điểm này cũng ảnh hưởng đến các Điều 18, 19 và 21.
Điều 18:
Bản dịch đã chỉnh sửa:
1. Mọi người đều phải có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Quyền này phải bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc niềm tin do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin, một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, trong việc thờ phụng, thực hiện lễ nghi, thực hành và truyền giảng.
2. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do có hoặc đón nhận một tôn giáo hoặc niềm tin do họ chọn lựa.
3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin chỉ có thể bị áp đặt các giới hạn được quy định bởi pháp luật và là cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khoẻ hoặc đức lý công cộng, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.
Bản dịch của nhà nước Việt Nam:
1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng.
2. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.
3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.
Giải thích:
Điều 18 này có nhiều điểm dịch sai nhất. Bản gốc dùng chữ “shall” – nhất thiết phải – để nhấn mạnh rằng quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo là quyền đương nhiên – mọi người nhất thiết phải có quyền này. Trong bản dịch của nhà nước Việt Nam, chữ “shall” này đã không được dịch.
Trong bản gốc, điểm 1 nói đến “tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo” thì nhà nước Việt Nam lại dịch thành “tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo” – tự do lương tâm bị thay thế bằng tự do tín ngưỡng. Đây là 2 khái niệm khác nhau.
Bản gốc dùng chữ “freedom of belief” nghĩa là “tự do về niềm tin” thì nhà nước Việt Nam lại dịch thành “tín ngưỡng”, nghĩa là niềm tin hướng về sự thiêng liêng. Khái niệm “niềm tin” theo Điều 18 bao gồm cả triết học, ý thức hệ, quan điểm chính trị, luân lý…
Chữ “worship” trong bản gốc có nghĩa là “thờ phụng” lại bị dịch sai thành “thờ cúng”. Chữ “observance”, nghĩa đúng là thực hiện lễ nghi, đã bị dịch sai thành “cầu nguyện”. Cả 2 điểm dịch sai này đã giới hạn các khái niệm vốn bao gồm nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng vào số sinh hoạt hạn hẹp là thờ cúng và cầu nguyện.
Cụm từ “adopt a religion or belief of his choice” mà trong bản gốc có nghĩa là “đón nhận một tôn giáo hoặc niềm tin mà mình chọn lựa” đã bị dịch sai thành “tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”, không thể hiện được ý muốn chọn hoặc thay đổi tôn giáo hoặc niềm tin.
Ở điểm 3, nói về giới hạn quyền bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin, chữ “public safety” (an toàn công cộng) đã bị dịch sai thành “an ninh”. Theo ICCPR, quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin không thể bị giới hạn bởi lý do “an ninh” kể cả “an ninh quốc gia” mà chỉ có thể bị giới hạn vì lý do “an toàn công cộng”. Chẳng hạn, nếu việc tổ chức nghi lễ tôn giáo đình đám, ồn ào vào ở ngay sát một trường tiểu học ngay trong giờ học thì có thể được yêu cầu chuyển đi nơi khác hoặc đổi giờ khác vì lý do an toàn công cộng.
Bản gốc tiếng Anh: https://www.ohchr.org/Documents/ProfessionalInterest/ccpr.pdf
Bản dịch tiếng Việt được chỉnh sửa bởi BPSOS: http://dvov.org/wp-content/uploads/2019/01/ICCPR-Vietnamese-translation-with-edits-by-BPSOS.pdf
Bản dịch tiếng Việt của chính phủ Việt Nam: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx
Chính quyền và Chi Phái 1997 vẫn tiếp tục xâm phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo
Để thu thập các bằng chứng mới nhất về sự vi phạm này, từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 11 năm 2024 vừa qua, một nhóm tám nhà hoạt động nhân quyền của người Cao Đài Chơn Truyền 1926 đã có chuyến đi khảo sát tại nhiều địa phương…
MSFJ và Kế hoạch vận động đưa Việt Nam vào lại CPC
“Chính quyền Việt Nam đã đàn áp quyền tự do tôn giáo của các sắc dân bản địa người Thượng chúng tôi suốt từ năm 1975 đến nay bằng mọi hình thức và mọi thủ đoạn mang tính hệ thống. Sự kiện trầm trọng nhất là họ đã vận động ngoại giao để chính quyền Thái Lan bắt và đang trong kế hoạch giao trả cho họ ông Y Quỳnh Bdap – một thành viên sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) của chúng tôi. Đây là bước đi trong kế hoạch nhằm triệt phá bằng được phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người Thượng bản địa ở Tây Nguyên. Chúng tôi không chấp nhận thua cuộc. Vì vậy, chúng tôi đã và đang thực hiện một kế hoạch để họ phải trả giá. Một trong những mốc điểm mà chúng tôi đặt ra là họ phải bị nêu tên trong danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (Countries of Particular Concern – CPC) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cuối năm nay hoặc năm sau.” Trên đây là lời phát biểu nhấn mạnh song song của ông Y Phic Hdok và ông Quan Van Dau…