Trong những ngày qua, dư luận cả nước dành sự quan tâm đặc biệt tới vụ án Hồ Duy Hải.
Sự quan tâm không chỉ mang tính nhân đạo với số phận một con người mà còn đặt ra rất nhiều vấn đề mang tính thực tiễn của hệ thống luật pháp Việt Nam hiện nay gắn liền với lý luận về quyền lực nhà nước và pháp luật.
Ngay sau phiên toà Giám đốc thẩm do Hội đồng toàn thể Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử kết thúc với kết quả giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải, Tạp chí Luật khoa đã có bài viết nêu ra ba cơ hội sống còn lại đối với người tử tù này.
Một trong ba cơ hội đó là Quốc hội quyết định can thiệp vào phán quyết này của Hội đồng toàn thể Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao theo Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều luật này quy định “nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội YÊU CẦU, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao KIẾN NGHỊ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ĐỀ NGHỊ xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.”
Giả sử điều đó xảy ra thì theo luật không ai khác chính 17 vị quan toà vừa đưa ra phán quyết đó phải xem xét lại chính quyết định của mình. Vì thế không ít người trong đó có các chuyên gia luật vừa kỳ vọng lại vừa tỏ ra hoài nghi và lo lắng bởi tính vô tư, khách quan trong định kiến.
Những hoài nghi và lo lắng đó là hoàn toàn chính xác khi thực tế tình trạng quyền lực nhà nước đang bị lạm dụng, bóp méo và được sử dụng như một công cụ bảo vệ mục tiêu chính trị, thậm chí đáng sợ hơn nó còn được sử dụng để bảo kê quyền lực và lợi ích băng nhóm, cá nhân.
Để giải quyết vấn đề này, bảo vệ tính vô tư, khách quan trong phán xét pháp lý, một số ý kiến đưa ra phương án: Quốc hội cần mạnh dạn bãi nhiệm 17 vị thẩm phán đã ra phán quyết vừa rồi, bầu ra 17 vị thẩm phán mới để phán xét lại quyết định nói trên.
Phương án trên cũng rất chính đáng xuất phát từ thực tế.
Nhưng câu hỏi kế tiếp có thể đặt ra là: Liệu 17 vị thẩm phán mới có thực sự vô tư khách quan không khi họ dù là ai, xuất thân từ đâu thì cũng là nhân viên cấp dưới chịu sự quản lý của ông Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình – người giữ quyền Chủ toạ phiên toà vừa rồi? Hoặc cứ cho là họ thực sự vô tư, khách quan đi nhưng nếu phán quyết của họ xảy ra trường hợp là giống như 17 vị thẩm phán trước đó thì liệu Quốc hội có đủ kiên định, lập trường để lập ra tiếp 17 vị thẩm phán mới nữa không?
Như vậy rõ ràng cần phải có một điểm dừng và ở đó phải xác định quyền lực của ai là cao hơn ai, tối thượng hơn ai thì mới giải quyết được vấn đề. Đó chính là lý luận về vấn đề quyền lực nhà nước, sự độc lập phân quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa ba nhánh quyền lực.
Hãy trở với chính Điều 404 xem các nhà viết luật viết thế nào:
Nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội YÊU CẦU… thì phải XEM XÉT.
Nếu Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao KIẾN NGHỊ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ĐỀ NGHỊ thì phải XEM XÉT.
Rõ ràng nhà viết luật đã đặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội ở ghế quyền lực cao hơn Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi xác định quyền được YÊU CẦU và đặt Uỷ ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ ở ghế quyền lực ngang bằng với Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi quyền chỉ được KIẾN NGHỊ.
Song, vấn đề nằm ở chỗ nhà viết luật, ngay trong chính điều luật đó lại trao quyền tối thượng cho Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi cho phép họ là người XEM XÉT và ra quyết định nhất trí hoặc không nhất trí với YÊU CẦU của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Một điều luật viết vòng đi rồi vòng trở lại không có điểm dừng và không phân định được ai là người cao hơn ai. Như vậy trước hết đó là một điều luật không ổn về cấu trúc.
Nhưng may thay, Khoản 2, Điều 2 Hiến pháp Việt Nam hiện hành đã ghi nhận “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.
Do đó, quyền lực của Quốc hội phải là tối thượng vì đó là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lực của nhân dân. Khi quyền lực tối thượng đã thuộc về Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội hay Uỷ ban tư pháp của Quốc hội đều có quyền YÊU CẦU và yêu cầu đó PHẢI ĐƯỢC XEM XÉT CHO ĐẾN KHI KHÔNG CÒN YÊU CẦU chứ không đơn giản là XEM XÉT.
Đến đây thì Điều luật 404 Bộ luật Tố tụng hình sự đã vi hiến và cần phải được sửa đổi ngay lập tức
Quốc hội và các Uỷ ban của quốc hội không can thiệp vào công việc của nhánh tư pháp. Do đó việc phân xử thế nào, yêu cầu các cơ quan tố tụng khác phối hợp, làm rõ thế nào là việc chuyên môn của họ nhưng nguyên tắc quyền lực tối thượng sẽ buộc họ phải bước qua bất kỳ định kiến hoặc mưu đồ định kiến cá nhân của mình để giải trình cho đến khi người có quyền yêu cầu không còn bất kỳ yêu cầu nào.
Thực tế của vụ án này cũng cho thấy sự cần thiết của Toà án Hiến pháp. Tuy nhiên cũng giống như việc lập ra 17 vị thẩm phán mới vậy, nếu Toà án Hiến pháp lại đưa ra những phán quyết khôi hài thì thử hỏi có ích chi?
Vì vậy, Thạc sĩ luật Lưu Đức Quang- cán bộ giảng dạy bộ môn Hiến pháp trường Đại học Kinh tế – Luật thành phố Hồ Chí Minh cùng một số người khác cho rằng: Đối với tư pháp mà lên tới nấc cao nhất còn xử sai (về áp dụng luật hoặc tố tụng) thì đó là do lỗi hệ thống. Mà với lỗi đó thì cần phải trả lại hệ thống cho người tổ chức để tổ chức lại. Có hai cách tổ chức lại thường thấy trên thế giới đó là cải cách ôn hòa hoặc cải cách có tính chất bạo lực.
Sửa luật hay không sửa luật thì lại chỉ là việc của cơ quan Quốc hội. Như vậy, để bảo vệ thể chế, không còn cách nào khác là chính mỗi vị đại biểu Quốc hội cần phải mạnh dạn yêu cầu cơ quan này sửa đổi ngay điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự đang vi hiến để trả lại quyền lực tối thượng về cho nhân dân và chính mình.
Đó có lẽ là lý do tại sao mà ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện của Quốc hội đã dùng icon giận dữ trong rất nhiều status của mình khi viết về vụ án này. Phải chăng đó là sự giận dữ vì bị tiếm quyền, đoạt quyền?
Và chúng ta cũng nên có hành động cụ thể để chia sẻ với ông sự giận dữ đó nhằm mục đích sửa một lỗi hệ thống bên cạnh mọi nỗ lực chỉ trích chính đáng đang hướng về phía 17 vị quan toà.
TMT.
MSFJ và Kế hoạch vận động đưa Việt Nam vào lại CPC
“Chính quyền Việt Nam đã đàn áp quyền tự do tôn giáo của các sắc dân bản địa người Thượng chúng tôi suốt từ năm 1975 đến nay bằng mọi hình thức và mọi thủ đoạn mang tính hệ thống. Sự kiện trầm trọng nhất là họ đã vận động ngoại giao để chính quyền Thái Lan bắt và đang trong kế hoạch giao trả cho họ ông Y Quỳnh Bdap – một thành viên sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) của chúng tôi. Đây là bước đi trong kế hoạch nhằm triệt phá bằng được phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người Thượng bản địa ở Tây Nguyên. Chúng tôi không chấp nhận thua cuộc. Vì vậy, chúng tôi đã và đang thực hiện một kế hoạch để họ phải trả giá. Một trong những mốc điểm mà chúng tôi đặt ra là họ phải bị nêu tên trong danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (Countries of Particular Concern – CPC) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cuối năm nay hoặc năm sau.” Trên đây là lời phát biểu nhấn mạnh song song của ông Y Phic Hdok và ông Quan Van Dau…
Vụ cận vệ chủ tịch nước lạm dụng tình dục ở Chi-lê: Quan thì được nhưng Dân thì không
Dư luận người Việt và Chile rất bất bình khi hay tin một cận vệ của Chủ Tịch Nước Việt Nam đã phạm tội lạm dụng tình dục tại Chile khi phái đoàn tới thăm nước này. Người cận vệ này có tên là Lại Đắc Tuấn, 59 tuổi hiện đang giữ chức vụ Phó Phòng Hậu Cần Bộ Tư Lệnh Cảnh Vệ thuộc Bộ Công An…