Lời dẫn: Trong suốt hơn hai năm qua, dư luận xã hội đã đặt nhiều nghi vấn về mục đích động cơ của các cơ quan chức năng và báo chí Việt Nam khi họ tập trung mọi cố gắng một cách thái quá trong việc xử lý các vấn đề pháp lý ở Tịnh Thất Bồng Lai ở Tỉnh Long An (tên gọi khác là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ). Có nhiều nghi vấn cho rằng chính quyền Việt Nam đang tìm mọi cách, viện mọi cớ để tấn công có chủ đích chỉ vì đây là một cơ sở tôn giáo không chịu sự quản lý của chính quyền.
Mới gần đây nhất, cơ quan chức năng đã phục hồi điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khởi tố bị can đối với tù nhân – công dân Lê Thanh Nhất Nguyên. Theo các thông tin được cơ quan điều tra cung cấp cho báo chí để đăng tải công khai thì ông Lê Thanh Nhất Nguyên và những người khác sinh sống tại Tịnh Thất Bồng Lai đã dàn dựng và đánh bóng việc nhận nuôi con nuôi nhằm lừa đảo những nhà hảo tâm chuyển tiền và vật chất cho mình.
Là người theo dõi rất sát sao các diễn biến về các vụ án xảy ra tại Tịnh Thất Bồng Lai, luật gia Ba Khía khẳng định rằng nếu cơ quan chức năng cho rằng ông Lê Thanh Nhất Nguyên đã có dấu hiệu phạm tội rõ ràng thì vụ án này còn phải xử lý hình sự với một số cán bộ chính quyền khi họ đã tiếp tay cho ông Lê Thanh Nhất Nguyên và những người khác ở Tịnh Thất Bồng Lai thực hiện hành vi phạm tội đang bị khởi tố. Pháp luật chỉ có ý nghĩa khi nó được thực thi với sự bình đẳng và công bằng đối với tất cả các chủ thể và đối tượng trong xã hội.
Hãy cùng xem bài phân tích dưới đây của luật gia Ba Khía để xem các cán bộ chính quyền nào phải chịu liên đới hình sự nếu cơ quan chức năng khăng khăng muốn xử lý hình sự ông Lê Thanh Nhất Nguyên và những người khác ở Tịnh Thất Bồng Lai về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Bà Trần Thị Mỹ Dung ở Thị Trấn Long Hải, Huyện Long Điền, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là mẹ đẻ của một bé trai sinh năm 2017. Theo đơn khởi kiện và sự trình bày của bà tại toà án thì do hoàn cảnh khó khăn và do nhầm tưởng Tịnh Thất Bồng Lai là một cơ sở tôn giáo được cấp phép nuôi trẻ em nên bà đã gửi con vào đây kể từ tháng 12 năm 2019. Đến ngày 10 tháng 7 năm 2020, Uỷ Ban Nhân Dân Thị Trấn Long Hải, Huyện Long Điền, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã làm thủ tục vào sổ và trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước cho bà Cao Thị Cúc ở Tịnh Thất Bồng Lai.
Ngày 15 tháng 3 năm 2023, bà Trần Thị Mỹ Dung đã nộp đơn tới Tòa Án Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An để yêu cầu tòa án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa bà Cao Thị Cúc với con ruột của mình.
Sau một năm thụ lý, vào ngày 4 tháng 3 năm 2024, Toà Án Huyện Đức Hoà đã tổ chức phiên xét xử án dân sự tuyên bố chấm dứt quyền nuôi con nuôi của bà Cao Thị Cúc và đứa trẻ được giao lại cho bà Trần Thị Mỹ Dung. Quyết định này của Toà Án Huyện Đức Hoà đã bị bà Cao Thị Cúc kháng cáo nên hiện nay vụ án đang được thụ lý theo cấp phúc thẩm dân sự tại Tòa Án Tỉnh Long An. Vào ngày 26 tháng 7 năm 2024, Tòa Án Tỉnh Long An đã tổ chức phiên xét xử phúc thẩm nhưng sau đó tuyên bố hoãn với lý do bị đơn Cao Thị Cúc vắng mặt và cần đưa đại diện của Uỷ Ban Nhân Dân Thị Trấn Long Hải, Huyện Long Điền, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trở thành người tham gia tố tụng.
Quá trình thụ lý vụ án và các quyết định nói trên của Tòa Án Tỉnh Long An và Toà Án Huyện Đức Hoà là không hợp lý. Không những thế, dường như hai cơ quan tư pháp này đang cố ý bao che tội phạm cho các cán bộ thuộc Uỷ Ban Nhân Dân Thị Trấn Long Hải và cán bộ thuộc Uỷ Ban Nhân Dân Xã Hoà Khánh Tây khi các cán bộ này đã cố ý giúp sức cho những người ở Tịnh Thất Bồng Lai thực hiện hành vi nuôi con nuôi trái pháp luật.
Theo quy định của Luật Nuôi Con Nuôi Trong Nước 2010 và các quy định của các văn bản dưới luật do Chính Phủ và Bộ Tư Pháp ban hành được hợp nhất tại văn bản số 951/VBHN-BTP ngày 21 tháng 3 năm 2019 thì việc xem xét nuôi con nuôi trong nước giữa cha mẹ ruột với cá nhân nhận nuôi hoặc cơ sở có chức năng nuôi trẻ là hai bộ thủ tục hoàn toàn khác nhau. Quá trình xem xét hồ sơ xin con nuôi, cán bộ tư pháp Thị Trấn Long Hải và Xã Hoà Khánh Tây phải phối hợp với nhau để tư vấn và đánh giá tâm lý bà Trần Thị Mỹ Dung và bà Cao Thị Cúc. Chỉ khi nào nhận thấy rằng hai người đã ý thức được đầy đủ các hậu quả pháp lý của việc nuôi con nuôi thì mới được phép tiến hành các thủ tục giao nhận con nuôi. Đây là những quy trình bắt buộc. Bà Trần Thị Mỹ Dung ngộ nhận tưởng rằng Tịnh Thất Bồng Lai là một cơ sở nuôi trẻ em nhưng trong giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước lại đề tên bà Cao Thị Cúc là mẹ nuôi chứ không phải người đại diện cho cơ sở nuôi trẻ. Như vậy, toàn bộ trình tự thủ tục xem xét các điều kiện để giao nhận con nuôi trong nước trong vụ việc này đã có sự khuất tất và vi phạm luật rất nghiêm trọng.
Do đó, khi nhận được đơn khởi kiện dân sự của bà Trần Thị Mỹ Dung thì Toà Án Huyện Đức Hoà phải hướng dẫn để bà Trần Thị Mỹ Dung phải nộp đơn khởi kiện quyết định hành chính và các hành vi hành chính của Uỷ Ban Nhân Dân Thị Trấn Long Hải và Xã Hoà Khánh Tây. Toà án không thể xem xét vụ việc này như một tranh chấp dân sự đơn thuần để lờ đi hành vi phạm pháp của cán bộ hai cơ quan nói trên.
Với Toà Án Tỉnh Long An, lẽ ra khi nhận được hồ sơ vụ án từ cấp dưới gửi lên và đơn kháng cáo của bà Cao Thị Cúc thì phải huỷ ngay quyết định trái pháp luật của tòa án cấp dưới và cũng phải hướng dẫn bà Trần Thị Mỹ Dung nộp đơn khởi kiện một vụ kiện hành chính với hai uỷ ban đã làm trái pháp luật.
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác vào đầu năm 2022, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Tịnh Thất Bồng Lai. Sau hơn hai năm tạm đình chỉ, vào tháng 7 năm 2024, Cơ Quan An Ninh Điều Tra thuộc Công An Tỉnh Long An đã phục hồi điều tra vụ án này và ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Nhất Nguyên. Nếu cơ quan chức năng khăng khăng khẳng định rằng có đủ căn cứ để xác định dấu hiệu về hành vi phạm tội của ông Lê Thanh Nhất Nguyên thì hành vi cố tình làm trái pháp luật về nuôi con nuôi của các cán bộ công chức Uỷ Ban Nhân Dân Thị Trấn Long Hải và Xã Hoà Khánh Tây sẽ không đơn thuần hành vi hành chính trái pháp luật nữa mà phải được xem xét là hành vi cố tình tiếp tay cho các hoạt động phạm tội của những người ở Tịnh Thất Bồng Lai. Do đó, Tòa Án Tỉnh Long An và Tòa Án Huyện Đức Hòa phải áp dụng các quy định tại Điều 143 và 144 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 để kiến nghị với Cơ Quan An Ninh Điều Tra thuộc Công An Tỉnh Long An xem xét khởi tố bổ sung các bị can là những cán bộ công chức này. Việc hai toà án biết mà không kiến nghị khởi tố hình sự với các cán bộ công chức đã vi phạm pháp luật chỉ có thể hiểu rằng đó là sự bao che tội phạm thể hiện sự bất công khi cả một hệ thống cơ quan chức năng và báo chí của chính quyền Việt Nam đang tìm mọi cách tấn công những người ở Tịnh Thất Bồng Lai với một chủ đích ngấm ngầm nào đó nhưng lại cố tình lờ đi hành động phạm pháp của công chức nhà nước trong vụ án này.
Ba Khía
Vụ cận vệ chủ tịch nước lạm dụng tình dục ở Chi-lê: Quan thì được nhưng Dân thì không
Dư luận người Việt và Chile rất bất bình khi hay tin một cận vệ của Chủ Tịch Nước Việt Nam đã phạm tội lạm dụng tình dục tại Chile khi phái đoàn tới thăm nước này. Người cận vệ này có tên là Lại Đắc Tuấn, 59 tuổi hiện đang giữ chức vụ Phó Phòng Hậu Cần Bộ Tư Lệnh Cảnh Vệ thuộc Bộ Công An…
Nhập cảnh về Việt Nam bằng hộ chiếu nào
Ông Bùi Thanh Hiếu có thể đã bị buộc phải làm việc với an ninh Việt Nam khi nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài hôm 20 tháng 10 năm 2024. Điều này đặt ra cho những người Việt bất đồng chính kiến hoặc những nhà hoạt động xã hội đang sống ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam một số vấn đề cần lưu ý khi muốn..