Cộng đồng người H’mông ở Tiểu Khu 179 đã biết dựa vào quốc tế để buộc chính quyền không dám cướp đất của mình và mở ra cho mình một tương lai.

Các thông tín viên của BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam cho biết: vào ngày 4 tháng 9 vừa qua, rất đông lãnh đạo chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội sống bám vào ngân sách quốc gia đã kéo nhau đến Tiểu Khu 179, Xã Liêng Srônh, Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng để tổ chức một buổi lễ khai giảng năm học mới rất rầm rộ cho hơn 100 trẻ em nơi này.

Nhớ lại hành trình cả cộng đồng này đã từng bị chính quyền từ bắc vào nam, từ trung ương tới địa phương tấn công không ngừng nghỉ trong gần 20 năm, một số người đã cười mỉa mai. Họ đặt câu hỏi. Điều gì buộc chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội lại đổi mặt lũ lượt kéo nhau tới làm trò thể hiện sự quan tâm tới cộng đồng này như thế?

Câu trả lời rất thú vị! Thật ra, từ trước đến nay, chính quyền, các cơ quan chức năng của nhà nước Việt Nam và các tổ chức xã hội sống bám vào ngân sách nhà nước lúc nào cũng “rất quan tâm” tới người dân. Cộng đồng Tiểu Khu 179 cũng không là một ngoại lệ. Chỉ có điều người dân có biết chủ động thay đổi tình thế để biến và buộc sự “quan tâm” đó trở thành điều có lợi hay cam chịu với sự bất lợi từ sự “quan tâm” đó mà thôi.

Hãy phân tích từ chính dòng thời gian của cộng đồng Tiểu Khu 179 để thấy rõ điều này và phải thay đổi chính mình khi chọn cách hành xử với chính quyền:

Tiểu Khu 179 được hình thành hơn 20 năm trước trong rừng sâu hẻo lánh đầu nguồn một chi lưu của sông Serepok ở Tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây là chốn ẩn náu của một nhóm 521 con người (hiện nay là khoảng hơn 600) thuộc sắc dân H’mông theo đạo Tin Lành vốn cư trú ngàn đời ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam. Họ là nạn nhân tôn giáo trước sự truy đuổi và tấn công mang tính hệ thống của chính quyền từ trung ương tới địa phương.

Khi còn sống ở các tỉnh phía bắc, họ bị chính quyền địa phương cưỡng bức phải bỏ đạo Tin Lành. Họ từng bị chính quyền bắt bỏ tù, bị đốt nhà, bị tước đoạt giấy tờ tuỳ thân và bị chính quyền xúi giục người dân tại địa phương xua đuổi họ ra khỏi bản làng nếu không bỏ đạo. Xin lưu ý rằng đến nay chính quyền Việt Nam vẫn còn dùng các hình thức khá phổ biến này ở nhiều nơi trong cộng đồng các sắc dân thiểu số.

Từ đó, họ lưu lạc tản mác đến những nơi mà có thể tiếp tục sống được là vào tận sâu trong rừng ở những địa phương mới. Khi bị phát hiện nơi ra nơi ẩn náu trong rừng sâu, chính quyền địa phương nơi mới này đã dùng mọi thủ đoạn để xua đuổi họ phải trở về quê cũ nhằm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương cũ có cơ hội tiếp tục trừng phạt họ vì lý do tôn giáo.

Chính quyền lập ra dự án ma, quản lý đất rừng giao cho các công ty tư nhân để dùng các công ty này tấn công người dân với kịch bản như hàng trăm vụ án tranh chấp đất đai, tù tội oan khốc nổi tiếng khác như Đồng Tâm, Dương Nội thuộc Hà Nội, Văn Giang ở Hưng Yên, Tiên Lãng – Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Vườn Rau Lộc Hưng ở Sài Gòn, Thiên An Viện ở Huế…

Gần 20 năm từ 2002 đến 2019, chính quyền địa phương không chịu tiếp dân và cũng không chịu tiếp nhận đơn thư của tiểu khu để giải quyết. Quốc Hội và chính quyền trung ương nhiều lần tới khảo sát thực tế nhưng cũng không đề ra phương thức giải quyết. Suốt 20 đó, người dân không được cấp giấy tờ tuỳ thân, không được khám chữa bệnh và tìm việc làm; trẻ em không được cấp giấy khai sinh và không được đến trường.

Tình trạng của Tiểu Khu 179 chỉ thay đổi khi một nhóm người dân dám đứng lên đón nhận sự giúp đỡ của BPSOS để kéo quốc tế vào quan sát sự việc, và thúc đẩy các bên cùng ngồi lại đối thoại tìm giải pháp. Rạng sáng ngày 18 tháng 5 năm 2019, chính quyền đã tổ chức một lực lượng hùng hậu với hàng trăm nhân viên công an và quân đội kéo đến tiểu khu để hỗ trợ các chủ dự án chiếm đất của người dân. Một kịch bản sẽ lặp lại như bao vụ chính quyền từng cướp đất của dân ở các nơi khác. Tuy nhiên, Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã kịp thời gọi điện tới cơ quan chức năng Tỉnh Lâm Đồng đề nghị tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người dân và chính quyền với sự theo dõi của quốc tế. Kết quả là kế hoạch cưỡng chế được ngừng lại ngay lập tức. Các bên cùng ký vào biên bản sự việc và cũng từ đây một tiến trình đàm phán giữa người dân và chính quyền đã được mở ra. Sau đó, một dự án tái định cư tại chỗ đã được chính quyền các cấp phê duyệt và thực hiện. Cho đến nay, người dân đã được cấp giấy tờ tùy thân, trẻ em đã được cấp giấy khai sinh và được đến trường.

Cần phải nhắc lại rằng chính quyền Việt Nam luôn quan tâm theo dõi sát sao nhất cử nhất động của người dân để đặt ra các hành động nhằm mục đích cho lợi ích riêng họ. Vì vậy, nhiệm vụ của mỗi người hay mỗi cộng động là phải luôn luôn chủ động tìm mọi cách để biến sự quan tâm đó phải trở thành thứ có lợi nhất cho cộng đồng. Bên cạnh những nỗ lực riêng, các cộng đồng bị bách hại còn cần phải biết tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của quốc tế để đưa chính quyền Việt Nam vào thế chịu áp lực không dám thực hiện những hành động bất lợi cho, người dân hay cộng đồng.

BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam

Pin It on Pinterest