Một số thành viên của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) sẽ có mặt tại sự kiện Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Summit 2025. Đề Án Dân Quyền Việt Nam đã phỏng vấn ông Y Phick H’Dok về các hoạt động của nhóm.
- Đề Án Dân Quyền Việt Nam: Xin ông cho biết vì sao MSFJ lại cử nhóm công tác tham gia cùng phái đoàn Việt Nam tới tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Summit 2025?
Ông Y Phick H’Dok: Trên bình diện quốc tế, Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Summit 2025 là một diễn đàn rất quan trọng thúc đẩy quá trình cải thiện quyền tự do tôn giáo cho những điểm tối trên toàn cầu.
Sứ mạng của MSFJ chúng tôi là đấu tranh cho tự do tôn giáo cho đồng bào chúng tôi – những người Thượng bản địa ở Tây Nguyên đang bị chính quyền Việt Nam tước đoạt quyền này và nhiều vấn đề khác liên quan. Do đó, chúng nhận thức rõ Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế là một cơ hội để chúng tôi tranh thủ và tìm kiếm sự ủng hộ những cá nhân và tổ chức có uy tín quan tâm hỗ trợ công cuộc đấu tranh của chúng tôi. - Đề Án Dân Quyền Việt Nam: Xin ông cho biết số lượng và tên các thành viên của MSFJ tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Summit 2025 sắp diễn ra ở Washington DC?
Ông Y Phick H’Dok: Chúng tôi dự kiến sẽ có năm thành viên tới tham dự hội nghị quốc tế về tự do tôn giáo quan trọng này. Tôi – Y Phick H’Dok thuộc nhóm thành viên sáng lập ra tổ chức MSFJ. Ngoài tôi ra còn có bốn thành viên khác. Chúng tôi thành thật xin lỗi mọi người vì không tiện nêu tên các thành viên khác ngoài tôi ra bởi họ cần được giữ an toàn trước, trong và sau hội nghị khi họ tới Hoa Kỳ từ các quốc gia khác. Tình trạng hiện nay của tôi có thể ví như là người chủ nhà khi quốc gia Hoa Kỳ đã nhận tôi với tư cách người tị nạn do các hoạt động bảo vệ nhân quyền. Do đó, tôi có may mắn công khai danh tính của mình hơn các cộng sự khác. - Đề Án Dân Quyền Việt Nam: Vậy các thành viên của MSFJ sẽ làm những gì khi tham dự hội nghị năm nay?
Ông Y Phick H’Dok: Chúng tôi sẽ trình bày các vấn đề vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam đối với người Thượng bản địa ở Tây Nguyên trong đó trọng tâm là các vi phạm quyền tự do tôn giáo. Các hoạt động này đa dạng gồm báo cáo, thuyết trình và vận động ở trong không gian hội nghị và ngoài hội nghị với mong muốn sẽ kéo được sự chú ý tối đa của quốc tế và các chính khách tham dự hội nghị tới các vấn đề của chúng tôi. Các nội dung quan trọng đó là:
- Quyền tự do lựa chọn và duy trì niềm tin tôn giáo mà không bị kiểm soát như lâu nay chính quyền vẫn đang thi hành.
- Các quyền căn bản của người bản địa bao gồm đất đai, văn hoá, tôn giáo và chính sách phát triển mà quốc gia phải chịu nghĩa vụ bảo hộ.
- Các vi phạm nghiêm trọng có hệ thống của chính quyền với các quyền của chúng tôi.
- Sự vu cáo trắng trợn và sự trả thù của chính quyền với thành viên sáng lập MSFJ của chúng tôi là ông Y Quynh Bdap.
Trong hội nghị, chúng tôi sẽ diễn thuyết và báo cáo.
Ở ngoài hội nghị chúng tôi phổ biến các thông tin về tình trạng cộng đồng trong nước với các chính khách và những ai quan tâm tới người bản địa ở Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có các cuộc tiếp xúc với các quan chức chính sách của chính quyền tân tổng thống Hoa Kỳ để đề nghị họ hỗ trợ trực tiếp chúng tôi trong công cuộc đấu tranh với chính quyền VN bạo quyền.
Phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị và BPSOS cho biết sẽ hỗ trợ chúng tôi trong các công tác này. Do vậy, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ thu được kết quả tốt.
Đề Án Dân Quyền Việt Nam: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này. Chúng tôi xin chúc ông và các thành viên MSFJ hoàn thành tốt các dự định của mình tại hội nghị.
BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam
Tiến tới Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo 2025
Tính tới đầu tháng 1 năm 2025 này, phái đoàn Việt Nam tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 2025 (International Religious Freedom Summit 2025 – IRF Summit 2025) đã hoàn thành xong các công việc chuẩn bị…
Phát biểu của sư Dhammo Thạch Trương – Phật giáo Nguyên Thủy Khmer Krom
Tại buổi họp báo với sự tham dự của Tiến sĩ Stephen Schneck - chủ tịch của Uỷ hội (USCIRF) để cùng giới thiệu về một...