Hình: Tại IRF Summit 2025, người của Nhóm Kết Nghĩa đã trình bày sự việc các đại diện tôn giáo đã bị cấm xuất cảnh, và Văn thư của Đại Sứ Robert Rehak gửi cho Tổng Bí Thư Tô Lâm của ĐCS VN.

Báo cáo và vận động quốc tế là một hoạt động không thể thiếu trong phong trào đấu tranh dân sự ôn hoà để thay đổi xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các hoạt động này của những nhà hoạt động trong nước đều dễ dàng bị chính quyền Việt Nam ngăn chặn thành công bằng biện pháp cấm xuất cảnh. Với biện pháp này, các nhà hoạt động xã hội đã không thể có mặt tại các sự kiện quốc tế để báo cáo về những vi phạm nhân quyền ở trong nước.

Tuy nhiên, xem xét một cách kỹ lưỡng thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đây là biện pháp chỉ có tác dụng đối với những người hoạt động riêng lẻ. Biện pháp này hoàn toàn có thể bị vô hiệu hoá nếu các nhà hoạt động chuyển hướng sang mô hình hoạt động có tổ chức. Không những thế, mô hình hoạt động có tổ chức còn buộc chính quyền Việt Nam phải trả giá cho chính biện pháp tinh vi này của họ.

Mô hình hoạt động nhóm kết nghĩa trong và ngoài nước do BPSOS hướng dẫn các cộng đồng tôn giáo độc lập trong mấy năm qua đã minh chứng cho điều này. Nhóm kết nghĩa trong và ngoài nước là tập hợp của một nhóm những người hoạt động trong nước và tập hợp của những người ở nước ngoài cùng có chung mối quan tâm tranh đấu bảo vệ nhân quyền cho một cộng đồng ở trong nước. Người trong nước hoạt động với vai trò thực hành các nhân quyền của mình dựa trên luật nhân quyền quốc tế và luật Việt Nam. Người ở nước ngoài luôn luôn giữ liên lạc thông suốt với người trong nước trong vai trò là những người yểm trợ, thu thập các thông tin và thực hiện các cuộc vận động quốc tế. Với sự phân chia công việc dựa vào các điều kiện ngoại cảnh của mỗi người đã tạo ra một tình huống khiến chính quyền Việt Nam không thể dùng biện pháp cấm xuất cảnh như một lá bài để ngăn chặn các thông tin vi phạm nhân quyền của họ được truyền tải tới quốc tế. Sự có mặt của các nhà hoạt động trong nước tại các sự kiện quốc tế chỉ mang tính hình thức gặp gỡ và giao lưu. Trong trường hợp người trong nước bị vắng mặt thì những người hỗ trợ ở bên ngoài vẫn tiến hành các báo cáo thay họ như bình thường do đã có đủ thông tin từ trước. Đồng thời, lúc này người bên ngoài còn có thêm nhiệm vụ tạo sự kiện hướng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tới sự cố mà người trong nước đang gặp phải để biến nó trở thành một chứng cứ về một thủ đoạn mà chính quyền Việt Nam đang sử dụng để vi phạm nhân quyền của người dân.

Một dẫn chứng mới nhất chứng minh cho sự hiệu quả của mô hình nhóm kết nghĩa trong và ngoài nước trong việc hoá giải thủ đoạn cấm xuất cảnh này chính là sự chú ý và quan tâm rất đặc biệt của Ban Tổ Chức và khách tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế diễn ra tại Washington DC, Hoa Kỳ trong hai ngày 4 và 5 tháng 2 năm 2025, về hành vi của chính quyền Việt Nam đã cấm xuất cảnh với ba vị khách mời đến từ Việt Nam. Các vị đó là Đại Đức Thích Nhật Phước thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và hai Chánh Trị Sự Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Ngọc Diến thuộc đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926. Ngay khi nhận được tin này, ông Robert Rehak – Chủ Tịch của Liên Minh Điều 18 (IRFBA), Đặc Sứ Về Tự Do Tôn Giáo của Chính Phủ Séc đã viết thư lên tiếng nhắc nhở chính quyền Việt Nam về việc cấm cản công dân tới dự hội nghị. Điều này chỉ có được khi hai nhóm bên ngoài của cộng đồng Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Cao Đài Chơn Truyền 1926 đã thực hiện các hoạt động ngoại giao thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế tới tình trạng của người trong nước đang gặp phải.

Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói thêm rằng mô hình nhóm kết nghĩa trong và ngoài nước không chỉ hoá giải thành công và buộc chính quyền Việt Nam phải trả giá với duy nhất biện pháp cấm xuất cảnh của họ mà nó còn mang lại rất nhiều thành quả khác trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức xã hội dân sự. Trong một dịp thích hợp, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu thêm các phúc lợi cho xã hội được tạo ra từ mô hình này với hy vọng có nhiều người Việt sẽ áp dụng nó để cùng tạo ra bước tiến cho tiến trình dân chủ ở quê hương Việt Nam chúng ta.

BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam

Pin It on Pinterest