Ông Bùi Thanh Hiếu có thể đã bị buộc phải làm việc với an ninh Việt Nam khi nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài hôm 20 tháng 10 năm 2024.
Điều này đặt ra cho những người Việt bất đồng chính kiến hoặc những nhà hoạt động xã hội đang sống ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam một số vấn đề cần lưu ý khi muốn trở về thăm quê hương. Có nên nhập cảnh về Việt Nam không khi biết chắc chắn mình là đối tượng đang bị chính quyền Việt Nam nhòm ngó? Nếu cần phải về lại Việt Nam thì cuốn hộ chiếu nào có nhiều thuận lợi hơn cho mình khi nhập cảnh vào Việt Nam?
Hộ chiếu Việt Nam
Luật pháp Việt Nam cho phép công dân được mang nhiều hơn một quốc tịch. Khi một ai đó sử dụng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh thì các cơ quan chức năng phải đối xử với người này trong mối quan hệ quốc gia và công dân của chính mình. Bất cứ quốc gia nào cũng không được phép từ chối nhập cảnh đối với công dân của họ. Vì vậy, các cơ quan chức năng sẽ buộc phải cho phép đương sự nhập cảnh trong. Tuy nhiên, quyền công dân luôn luôn đi kèm với nghĩa vụ công dân. Dựa trên quyền năng và sự nhận định chủ quan của các cơ quan chức năng Việt Nam, người nhập cảnh sẽ được phân ra thành hai loại đối tượng:
Đối tượng không cần bỏ tù. Với đối tượng này, ngay sau khi nhập cảnh, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tạm giữ hành chính. Thời gian tạm giữ hành chính sẽ kéo dài cho đến khi người nhập cảnh tự quyết định xin xuất cảnh. Tuy luật có quy định về khung thời gian nhưng các cơ quan chức năng Việt Nam có thừa nghiệp vụ để tạo ra các lệnh nối tiếp nhau.
Đối tượng cần bỏ tù. Với đối tượng này, ngay sau khi nhập cảnh, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ phối hợp tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam.
Nếu người đó đang mang thêm quốc tịch khác, thì trên nghĩa vụ bảo hộ công dân của họ, các quốc gia này chỉ có thể thực hiện được một số hoạt động giới hạn tuân theo trình tự diễn ra như sau: nhận thông báo của cơ quan chức năng Việt Nam, giám sát tiến trình pháp lý mà cơ quan chức năng Việt Nam đang thực hiện, trao đổi các khuyến nghị và cuối cùng, khi có đủ thông tin về hồ sơ vụ việc mới có thể có sự vận động ngoại giao chính trị giữa hai quốc gia. Tiến trình này thường diễn ra trong thời gian rất dài dưới sự chủ động kiểm soát của chính quyền Việt Nam – là quốc gia có thẩm quyền trong phạm vi lãnh thổ của họ.
Hộ chiếu nước ngoài
Khi một ai đó sử dụng hộ chiếu nước ngoài để nhập cảnh thì các cơ quan chức năng Việt Nam được quyền đối xử với người đó trên tư cách công dân của quốc gia mà người đó đang xuất trình hộ chiếu. Các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ có ba sự lựa chọn:
Lựa chọn một: từ chối nhập cảnh. Đây là biện pháp dành cho những người tuy được liệt kê trong danh sách những đối tượng chống đối chính quyền Việt Nam nhưng họ thấy không đáng bắt và cũng ít cơ hội khai thác thông tin về các đối tượng khác (ít nguy hiểm).
Từ chối nhập cảnh là một hành động thể hiện quyền lực của một quốc gia đối với một cá nhân không phải là công dân của họ. Theo thông lệ quốc tế, không một quốc gia nào cần phải giải trình đầy đủ lý do từ chối và cũng không một quốc gia nào có quyền buộc quốc gia khác phải giải trình thoả đáng lý do từ chối không cho một người ngoại quốc được nhập cảnh.
Lựa chọn hai: cho nhập cảnh để áp dụng biện pháp hình sự. Đây là biện pháp áp dụng cho những người bị liệt kê vào danh sách cần phải bắt bằng mọi giá. Việc áp dụng các biện pháp hình sự đối với công dân của một quốc gia khác là rất nghiêm trọng. Thông lệ quốc tế cho việc bắt này chỉ được thực hiện khi có các bằng chứng theo dõi quá trình phạm tội đã diễn ra trước đó là rất rõ ràng hoặc bị bắt trong trường hợp quả tang khi đang thực hiện. Tuy nhiên, điều này không hề khó đối với các cơ quan chức năng Việt Nam. Họ đã có sẵn các tài liệu chứng cứ được chuẩn bị rất công phu từ trước và họ cũng có rất nhiều kịch bản với các biện pháp nghiệp vụ giăng bẫy để có đủ lý do bắt một công dân nước ngoài khi đang ở trong lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp này, các quốc gia khác cũng chỉ có thể thực hiện được một số hoạt động giới hạn tuân theo trình tự diễn ra như với trường hợp nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam bao gồm: nhận thông báo của cơ quan chức năng Việt Nam, giám sát tiến trình pháp lý mà cơ quan chức năng Việt Nam đang thực hiện, trao đổi các khuyến nghị và cuối cùng, khi có đủ thông tin về hồ sơ vụ việc mới có thể có sự vận động ngoại giao chính trị giữa hai quốc gia. Tiền lệ cho thấy, trong các trường hợp này, chính quyền Việt Nam sẽ trục xuất công dân nước ngoài sau khi đã kết án để chứng tỏ uy quyền của họ.
Lựa chọn ba: cho nhập cảnh để thực hiện các biện pháp hành chính nhằm khai thác một loại thông tin nào đó mà họ cần. Đây là biện pháp được áp dụng cho những người có thể thực sự rất đáng bắt nhưng vì nhiều lý do khiến chính quyền Việt Nam không muốn bắt. Một trong những lý do đó có thể là sự rắc rối nghiêm trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với quốc gia mà người nhập cảnh đang mang quốc tịch. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn là người kiểm soát toàn bộ tiến trình. Họ có thể câu lưu trái pháp luật đủ dài tới mức người bị tạm giữ cảm nhận được sự mất mát không đáng có của bản thân mình về thời gian nên sẽ chủ động xin xuất cảnh. Với những người có ảnh hưởng đáng kể với quốc gia họ đang mang quốc tịch thì thời gian tạm giữ hành chính là một chiêu trò chính trị đủ để họ thăm dò được phản ứng của quốc gia mà họ đang cần giữ mối quan hệ quốc tế.
*****
Mặc dù quy trình xử lý của cơ quan chức năng Việt Nam là khác nhau nhưng xét về kết quả thì chúng ta nhận thấy cả hai loại hộ chiếu đều không thể mang lại cơ hội đáng kể nào cho chủ nhân trong việc nhập cảnh an toàn. Việc được nhập cảnh về lại Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá chủ quan của các cơ quan chức năng Việt Nam đối với các hoạt động trước đó của người nhập cảnh. Do vậy, không ai khác ngoài mỗi cá nhân bất đồng chính kiến hay những người hoạt động xã hội phải tự tiên lượng khả năng mình có được nhập cảnh hay không. Không nên kỳ vọng vào quyền lực của bất cứ cuốn hộ chiếu nào mà mình đang có. Những điều nhận thức thực tế này sẽ giúp mỗi người đưa ra quyết định đúng đắn hơn khi trở lại Việt Nam.
Thông tin thêm về ông Bùi Thanh Hiếu:
Ông Bùi Thanh Hiếu là một người Việt định cư tại Cộng Hoà Liên Bang Đức từ năm 2013. Ông là một người nổi tiếng với bạn đọc qua các tác phẩm báo chí liên quan tới thông tin về các vấn đề nội tình trong bộ máy quản trị quốc gia Việt Nam với bút danh Người Buôn Gió. Ông có quan điểm bài bác bộ máy quản trị quốc gia Việt Nam hiện nay.
Ngày 1 tháng 9 năm 2024, ông nhập cảnh về Việt Nam và bị từ chối nhập cảnh.
Ngày 20 tháng 10 năm 2024, ông tiếp tục nhập cảnh về Việt Nam lần hai. Người thân bị mất liên lạc với ông ngay khi ông tới sân bay. Sự việc kéo dài cho tới ngày 3 tháng 11 người ta mới thấy hình ông chụp ảnh với mẹ đẻ của mình tại Hà Nội. Cho đến nay ông vẫn chưa có bất kỳ phát ngôn nào về những gì đã xảy ra cho ông trong 14 ngày vừa qua.
—
Ba Khía
Quan chức Việt Nam lại tấn công tình dục phụ nữ và vấn đề dẫn độ
Dư luận người Việt đã gay gắt lên án đạo đức của các quan chức chính quyền Việt Nam khi mới đây viên cận vệ của Chủ...
Công an không được phép mời ông Thích Minh Tuệ để làm việc
Trong hai ngày 4 và 5 tháng 12 năm 2024, đã xuất hiện thông tin về những lá đơn tố giác tội phạm của bà Nguyễn Thị Hoàng và giấy mời làm việc của Công An Huyện Ia Grai với ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) và những người có liên quan. Theo giấy mời của Công An Huyện Ia Grai thì ông Lê Anh Tú và ông Lê Anh Tuấn (anh ruột của ông Lê Anh Tú) phải có mặt tại cơ quan này để làm việc với ông Phó Công An Huyện Hoàng Xuân Trường…