Đại tá Vũ Văn Tấn phát biểu tại chương trình đào tạo thí điểm hệ thống phần mềm quản lý Tăng, ni, Phật tử của Bộ Công An cung cấp

Vào ngày 03 tháng 6 năm 2024, Cục Quản Lý Trật Tự Xã Hội thuộc Bộ Công An đã triển khai công cụ điện tử quản lý tăng, ni và các phật tử trong hệ thống tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Đây là sự vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng và làm phát lộ một số điểm mà những ai tự nhận mình là phật tử đang sinh hoạt trong tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cần phải biết và suy ngẫm về quyền tự do tôn giáo của mình.

  1. Hiến Pháp Việt Nam đã thừa nhận rằng tự do tôn giáo là một nhân quyền phổ quát của tất cả mọi người. Do đó, nếu lý tưởng nhất thì nhà nước không cần phải ban hành bất kỳ một luật nào về nhân quyền. Trong trường hợp thấy cần thiết muốn có luật thì những quy phạm này phải tuân thủ nguyên tắc bảo hộ và điều chỉnh ở mức tối thiểu khi đủ lý do cho rằng nhân quyền này có ảnh hưởng tới các nhân quyền khác hoặc ảnh hưởng tới trật tự xã hội. Dù với bất cứ lý do gì, bộ máy quản lý một quốc gia cũng không được phép ra luật “quản lý” nhân quyền nói chung trong đó có quyền tự do tôn giáo. Sự quản lý tăng, ni và các phật tử thông qua công cụ điện tử của Bộ Công An đã công khai vi phạm nguyên tắc này. Theo dõi và quản lý các hoạt động tài chính của mỗi phật tử và các chùa chiền hoặc giáo hội phật giáo (tiền cúng dường) không phải là công việc chức năng của Bộ Công An. Chức năng công việc chuyên môn này là thuộc Tổng Cục Thuế thuộc Bộ Tài Chính. 
  2. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội độc lập hoạt động về tôn giáo. Trên tinh thần dân sự tự nguyện, nó được hình thành từ sự tham gia của những giáo hội địa phương, hệ thống chùa chiền và các tăng, ni, phật tử trong cả nước. Do đó, các giáo hội địa phương, các chùa chiền và các tăng, ni, phật tử trong cả nước đều giữ một số quyền độc lập. Phật tử muốn cúng dường (cung dưỡng) cho ai, cho chùa nào hay giáo hội địa phương nào đó là quyền của họ mà các chùa khác hay giáo hội địa phương khác và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không có quyền biết.
  3. Vào năm 2020, Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam đã công khai ban hành Quyết Định 960 và 1722 khẳng định chủ trương của họ là cài cắm đảng viên vào trong các tổ chức tôn giáo và việc cài cắm này được giữ là bí mật quốc gia. Không khó để đưa ra kết luận chủ quan rằng những đảng viên được cài cắm vào trong các tổ chức tôn giáo chỉ có thể là người của Bộ Công An. Bởi lẽ, trong hai quyết định kể trên đã nêu rõ vai trò của những đảng viên được lựa chọn là để theo dõi và thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia. Trong khi đó, theo quy định về chức năng thì chỉ có người thuộc Bộ Công An mới được giao nhiệm vụ về an ninh.

Từ ba điều rút tỉa nói trên, người dân có thể thấy rõ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chính là một chi bộ đảng của những nhân viên an ninh thuộc Bộ Công An mà thôi. Các phật tử đang cúng dường cho người tu hành chân chính hay đang tình nguyện đóng tiền để nuôi dưỡng một tổ chức đảng cộng sản của Bộ Công An? Đây là câu hỏi mà các phật tử sống với quyền tự do tôn giáo của mình cần suy nghĩ. Ngoài ra, đây cũng là câu hỏi thách thức mỗi tổ chức nhân quyền hay mỗi người hoạt động nhân quyền cần phải làm gì để thức tỉnh những người xung quanh.

Ba Khía

Pin It on Pinterest