Trang web của OHCHR – cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc soạn thảo hai trong số 3 tài liệu được dùng trong mỗi kỳ kiểm điểm UPR

Vào ngày 7 tháng Năm, 2024 sắp tới đây, Việt Nam sẽ là đối tượng tham gia kỳ Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR) chu kỳ bốn của Liên Hiệp Quốc.

Để có thể khai dụng và đặt kỳ vọng cho đúng về cơ chế quốc tế rất quan trọng này, chúng ta cần nắm bắt những thông tin mang tính căn bản sau:

UPR là gì?

UPR được viết tắt từ cụm từ tiếng Anh Universal Periodic Review. Đây là một hoạt động nằm trong cơ chế của Hội đồng Nhân Quyền (HRC) thuộc Liên Hiệp Quốc. UPR ra đời với mục tiêu và nguyên tắc là để định kỳ kiểm tra toàn diện tất cả mọi vấn đề về nhân quyền của mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Cơ chế này hoạt động không trùng lặp với các hoạt động của các uỷ ban chuyên trách về các công ước quốc tế nhân quyền cũng như các cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế khác. Do vậy, nó là một cơ chế bổ sung của Liên Hiệp Quốc nhằm thúc đẩy một cách toàn diện mọi vấn đề nhân quyền ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Hội Đồng Nhân Quyền không phải là một cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc nhưng nó là một tổ chức liên quốc gia của các thành viên Liên Hiệp Quốc. Hội Đồng Nhân Quyền gồm 47 quốc gia thành viên được bầu ra tại kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra hằng năm để thay đổi các thành viên đã có mặt tại hội đồng này đã đủ ba năm. Do đó, có thể ví Hội Đồng Nhân Quyền như một sân chơi lớn dành cho vấn đề nhân quyền trên toàn cầu.

Các kỳ kiểm định UPR diễn ra theo chu kỳ bốn đến năm năm một vòng và bây giờ đang là chu kỳ kiểm điểm các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc lần thứ tư kể từ lần đầu tiên được diễn ra vào năm 2008.

Các tài liệu được dùng để thực hiện kiểm điểm định kỳ một quốc gia

Có ba tài liệu được dùng vào việc kiểm điểm vấn đề nhân quyền tại một quốc gia đó là:

+ Một tài liệu được soạn thảo bởi Văn Phòng Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (Office of High Commissioner for Human Rights – OHCHR) tổng hợp từ báo cáo của các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc đánh giá về tình hình nhân quyền tại quốc gia tham gia kỳ kiểm điểm.

+ Một tài liệu khác cũng được soạn thảo bởi OHCHR tổng hợp từ các thông tin khả tín do các tổ chức xã hội dân sự hoặc các cá nhân hoạt động xã hội dân sự cung cấp cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc trong quá trình chuẩn bị kỳ kiểm điểm.

+ Một báo cáo do chính quốc gia tham gia kiểm điểm thực hiện và gửi đến cho Hội Đồng Nhân Quyền thuộc Liên Hiệp Quốc.

Kỳ vọng gì vào cơ chế UPR?

Chỉ cần nhìn vào danh sách hai trong số ba tài liệu được dùng trong việc thực hiện kiểm định định kỳ vấn đề nhân quyền ở một quốc gia cũng đủ cho chúng ta thấy những công việc mà mỗi tổ chức xã hội dân sự và mỗi người quan tâm tới vấn đề nhân quyền có thể làm được. Cơ chế UPR mở ra cho mọi người cơ hội gửi báo cáo tới các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và OHCHR để họ có căn cứ điều tra, đánh giá và tổng hợp tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia. Không chỉ vậy, trước khi diễn ra kỳ kiểm điểm chính thức vài tháng, Hội Đồng Nhân Quyền còn thường tổ chức các phiên họp tiền kiểm điểm để các tổ chức xã hội dân sự và những nhà hoạt động xã hội dân sự có thể trình bày trực tiếp các vấn đề mà mình quan tâm cho các chuyên gia của mỗi lĩnh vực nhân quyền. Đây là một phiên họp chỉ dành riêng cho các tổ chức xã hội dân sự và những nhà hoạt động xã hội dân sự. Chỉ tính riêng cho lần kiểm điểm thứ tư này đối với Việt Nam, BPSOS và một số tổ chức khác đã nộp 45 bản báo cáo cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, trong tháng Hai vừa qua, đại diện của BPSOS đã tới Thuỵ Sỹ để tham dự phiên họp tiền kiểm điểm để trình bày về vấn đề buôn người, tự do tôn giáo và một số vấn đề khác tại Việt Nam đang ở trong tình trạng tồi tệ.

Khi tiếng nói của người dân ở trong nước bị chính quyền bóp nghẹt trên mạng xã hội hoặc trong đời sống chính trị hằng ngày thì mỗi cơ chế quốc tế trong đó có UPR sẽ là nơi để các tổ chức xã hội dân sự và bất cứ ai quan tâm tới tình hình nhân quyền ở Việt Nam có thể nói lên tiếng nói chính nghĩa mà ở đó chính quyền Việt Nam phải dè chừng.

BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam

Phát biểu của anh Seo Gia Vang – H’Mong

Ngoài Tiến sĩ Stephen Schneck – chủ tịch của Uỷ hội (USCIRF) còn có phụ tá của ông ta lắng nghe lời phát biểu của các nhà hoạt động tôn giáo tường thuật về những chứng từ của nạn nhân.

Pin It on Pinterest