LỜI DẪN:
Việt Nam là một quốc gia có chính sách hà khắc về tôn giáo. Một trong những biện pháp mang tính hệ thống được áp dụng với người dân theo đạo Tin Lành thuộc các sắc tộc thiểu số miền núi nhằm ép buộc họ bỏ đạo là tịch thu giấy tờ tùy thân, đuổi ra khỏi bản làng khiến họ phải sống như thú hoang trong rừng sâu. Theo điều tra chưa đầy đủ của BPSOS, ở Việt Nam có ít nhất 10,000 người là nạn nhân của biện pháp trừng phạt này. Họ bị tước đoạt các quyền công dân và quyền căn bản của con người như quyền được học hành, có việc làm, bảo đảm sinh kế, tự do di chuyển, được chăm sóc y tế, quyền kết hôn, quyền sở hữu đất đai canh tác,….
Nhà nước Việt Nam né tránh trách nhiệm và gọi đó là tình trạng “di cư tự do” nhưng BPSOS cho rằng phải gọi đó là tình trạng vô quốc gia vì những tín đồ Tin Lành thuộc các sắc tộc thiểu số này không được hưởng sự bảo vệ và các quyền đương nhiên của một công dân sống trong một quốc gia.
Đầu năm 2019, BPSOS cùng các cộng sự quyết định khởi xướng dự án giúp đỡ đồng bào vô quốc gia. Dự án này sẽ kéo dài trong nhiều năm và ngày càng có nhiều tổ chức Quốc tế trong đó có Liên Hợp Quốc theo dõi và ủng hộ. Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế dành một sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này. Điều đáng mừng là đã có những tiến triển tích cực và thiện chí từ phía chính quyền Việt Nam sau gần một năm vận động.
Dưới đây là danh sách bài viết trong loạt bài về công tác hỗ trợ đồng bào “vô quốc gia” đòi lại quyền công dân của họ:
Bài 1 – Dấu mốc pháp lý quan trọng thể hiện tinh thần thiện chí của nhà nước Việt Nam. Hoặc xem trên Facebook
Bài 2 – Vận động quốc tế hỗ trợ trong việc giải quyết tình trạng người Hmong vô hộ tịch ở Tiểu Khu 179, Tỉnh Lâm Đồng. Hoặc xem trên Facebook
Bài 3 – Người Hmong vô hộ tịch ở Tiểu Khu 179 Tỉnh Lâm Đồng được tham gia giám sát dự án tái định cư của mình – Bước tiến bộ mới rất đáng hoan nghênh của chính quyền. Hoặc xem trên Facebook
Bài 4 – Thêm một số tiến bộ mới đáng hoan nghênh của chính quyền Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng khi nhận đơn thư của người dân Tiểu Khu 179. Hoặc xem trên Facebook
Bài 5 – Đường đã mở cho những đôi chân trần của người dân Tiểu Khu 179. Hoặc xem trên Facebook
Để tăng sự quan tâm của chính những người Việt ở trong và ngoài nước về tình trạng “vô quốc gia” này, trong hy vọng sẽ có thêm tiếng nói và sự hỗ trợ thiết thực cho những đồng bào thiểu sốbị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu là người Hmong, chúng tôi sẽ lần lượt chia sẻ kế hoạch, phương pháp vận động và cập nhật một số tiến triển của vụ việc. Chúng tôi hy vọng nhà nước Việt Nam sẽ hiểu thiện chí và đường lối của chúng tôi và tích cực hợp tác hơn nữa. Song song đó, chúng tôi cũng hy vọng người dân nói chung hiểu cách kết hợp luật pháp quốc gia với luật quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Bài 2: VẬN ĐỘNG QUỐC TẾ HỖ TRỢ TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG NGƯỜI HMONG VÔ HỘ TỊCH Ở TIỂU KHU 179 TỈNH LÂM ĐỒNG
Toàn cầu hoá là hiện tượng xã hội khi các quốc gia, các tổ chức trên thế giới ngày càng phụ thuộc vào nhau.
Các quốc gia, các tổ chức quốc tế mà nhà nước Việt Nam muốn đặt quan hệ ngoại giao và kinh tế đều có chung một số đặc điểm. Đó là vị thế của họ ở phía trên, xã hội văn minh, luật pháp được tôn trọng, và đặc biệt họ rất quan tâm đến việc cổ súy cho những giá trị đạo đức và nhân quyền. Nếu chúng ta tranh thủ được thì các vấn đề nhân quyền luôn được họ nêu lên, theo dõi, nhắc nhở, và thúc giục nhà nước Việt Nam phải cải thiện khi muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Vì thế, vận động quốc tế thực sự là một chiến lược cần thiết để tìm kiếm những lợi thế thúc đẩy cho một phương thức đấu tranh ôn hòa.
Tuy nhiên, vận động quốc tế không đơn giản như suy nghĩ của một sốngười; đó là đi gõ cửa lung tung các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế để kể khó, kể khổ, và nhờ họ làm thay mình. Vận động quốc tế là một hành động phải có kế hoạch bài bản qua đó cho thấy nỗ lực chủ động giải quyết khó khăn của chính bản thân chúng ta và nên đặt ra những đề nghị được hỗ trợ hợp lý, phù hợp với khả năng của đối tác.
Trở lại với vụ việc người Hmong vô hộ tịch ở Tiểu khu 179 tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi xác định đây là một vụ việc rất khó khăn trong quá trình giải quyết. Cộng đồng người được trợ giúp có trình độ học vấn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn. Khu dân cư nằm trong rừng sâu núi thẳm, không ai biết tới nên vụ việc dễ bị chìm vào trong bộn bề nhiều sự vụ hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên đây lại là vụ việc điển hình của một kế sách quốc gia đàn áp tôn giáo một cách tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền công dân của rất nhiều người. Vì thế sự quan tâm và can thiệp của quốc tế là cần thiết để cân bằng sự chênh lệch lớn lao về thế và lực giữa nhà nước và cộng đồng người Hmong này. Muốn vậy, chúng tôi đã lập một kế hoạch chi tiết và đi từng bước hết sức bài bản, không làm vu vơ. Điều quan trọng nhất là, kế hoạch đó đặt ra từng mốc điểm diễn tiến có thể đo lường được, qua đó mới đánh giá hiệu quả của kế hoạch.
THU THẬP VÀ VẬN DỤNG DỮ LIỆU
Nếu biết một sự kiện nào đó qua ai kể rồi nói lại với các tổ chức quốc tế thực chất chỉ là “truyền thông đưa tin” chứ không phải vận động quốc tế. Như đã nói, để vận động quốc tế hỗ trợ giải quyết một vụ việc thì nhất thiết cần phải hiểu rõ vụ việc, xây dựng phương án hành động một cách chủ động và bền bỉ, kiên trì, và biết cách huy động quan hệ quốc tế để giải thích mức độ nghiêm trọng của vụ việc và đề nghị họ theo dõi, đôn đốc.
Dự án của chúng tôi khởi động vào tháng 5 năm 2019. Nhưng trước đó hơn 2 năm chúng tôi đã có đội ngũ tình nguyện viên xuống tận nơi ghi chép, thu thập đầy đủ các dữ kiện. Tiếp đó chúng tôi tổ chức các cuộc họp phân tích dữ kiện để xâu chuỗi chúng lại trong một mối quan hệ. Hay nói khác đi là đưa các dữ kiện vào trong một cây vấn đề để giải thích được mối liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả. Nếu không có sự xâu chuỗi như vậy thì không thể lập ra một kế sách giải quyết đồng bộ sự vụ mà mọi hành động chỉ là sự vá víu tạm bợ không mang tính hệ thống và triệt để.
CHỌN YẾU TỐ VẬN ĐỘNG VÀ CHỌN ĐỐI TÁC QUAN TÂM ĐỂ VẬN ĐỘNG
Đây là một khâu rất quan trọng, quyết định sự thành bại của vận động quốc tế. Khi xử lý dữ liệu, chúng tôi đặc biệt chú ý tới nguyên nhân của tình trạng vô hộ tịch này là do nhà nước Việt Nam đã để cho các cấp chính quyền địa phương sử dụng những biện pháp quản lý hành chính bất hợp pháp như một kế sách nhằm kiểm soát và tước đoạt quyền tự do tôn giáo của một nhóm người thiểu số.
Từ nguyên nhân cụ thể, chúng tôi chọn đối tác giúp đỡ.
Các tổ chức quốc tế rất quan tâm tới tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhân quyền là một vấn đề rộng lớn, cho nên mỗi tổ chức thường chỉ đủ khả năng tập trung vào một quyền nào đó. Do vậy phải tìm các tổ chức quan tâm cụ thể tới quyền tự do tôn giáo để vận động thì mới hiệu quả.
Alliance Defending Freedom International (Liên Minh Bảo Vệ Tự Do Quốc Tế, gọi tắt là ADF) là đối tác chúng tôi gõ cửa đầu tiên. Đây là một tổ chức pháp lý quốc tế chuyên về bảo vệ niềm tin tôn giáo. Họ có các thành viên tham gia trong tổ chức Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức pháp lý khác ở châu Âu và châu Mỹ.
Với những dữ liệu chính xác, khách quan, chúng tôi nhanh chóng tìm được sự quan tâm của họ. Hai bên tiếp tục làm việc chặt chẽ để thông qua một kế hoạch hành động cụ thể.
Chính ADF sau này đã trở thành người vận động quốc tế hiệu quả hơn chúng tôi. Bởi lẽ nếu người khác, nhất là người có uy tín trên các diễn đàn quốc tế nói về chúng ta thì sẽ dễ thuyết phục người khác hơn là chính chúng ta nói về mình. Do đó, rất nhiều tổ chức khác đã tham gia theo dõi vụ việc hoặc đề nghị được hợp tác giúp đỡ. Vụ việc từ đó đã thực sự trở thành đề tài trong các báo cáo, thảo luận quốc tế, đưa nhà nước Việt Nam vào vị thế không thể không giải quyết.
CHỈ RÕ VIỆC CẦN NHỜ
Người phương Tây quen với lối suy nghĩ cụ thể. Vì thế, vận động quốc tế là phải đưa ra được kế hoạch hành động của mình và những việc cần nhờ. Việc cần nhờ phải là việc nằm trong khả năng quan hệ quốc tế của họ. Chúng ta không thể nhờ các tổ chức quốc tế ra các biện pháp chế tài mạnh mẽ với nhà nước Việt Nam được bởi quan hệ quốc tế thường có các giới hạn. Những việc được nhờ không nên đặt họ vào tình trạng căng thẳng với nhà nước Việt Nam mà chỉ nên là những áp lực ngoại giao phù hợp.
Trong vụ việc này, chúng tôi nhận lãnh mọi trách nhiệm chủ động giải quyết về mình và chỉ đề nghị các tổ chức quốc tế vận động ngoại giao, theo dõi và nhắc nhở mang tính khuyến khích nhà nước Việt Nam cần thể hiện nghĩa vụ và thiện chí của mình với người dân.
Sau gần một năm chủ động giải quyết, trải qua nhiều thử thách, và vượt qua một số điểm nghẽn, chúng tôi hiểu rất rõ những kết quả tích cực được mở ra của tiến trình đều mang dấu ấn của các tổ chức quốc tế tác động. Chúng tôi giữ nguyên tắc đó là tôn trọng thể diện của nhà nước Việt Nam, đặt họ vào trong vai trò của người cần giải quyết vấn đề chứ không bao giờ coi họ như một đối thủ cần phải loại bỏ, hạ thấp uy tín.
Cho đến nay, các Quyết định 125 và 147 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông về việc lập dự án tái định cư cho những người dân vô hộ tịch ở Tiểu khu 179 thực sự là các căn cứ pháp lý, chấm dứt giai đoạn vận động, thuyết phục nhà nước Việt Nam thực hiện nghĩa vụ của mình với người dân. Do đó, việc vận động quốc tế được điều chỉnh ở một khía cạnh khác để bảo đảm dự án được triển khai một cách tốt nhất.
Vì lý do tế nhị của quan hệ quốc tế và tôn trọng thể diện của nhà nước Việt Nam, chúng tôi xin phép không nêu cụ thể những tương tác ngoại giao qua lại của các bên. Nhưng bằng sự chia sẻ qua loạt bài viết này, chúng tôi hy vọng mỗi người dân Việt Nam hãy biết tận dụng các cơ hội vận động quốc tế để làm lợi thế cho vụ việc mà mình cần giải quyết. Vận động quốc tế chỉ có hiệu quả khi chúng ta đặt chính mình vào vị thế của người phải chủ động, hành động dựa trên hiến pháp và luật pháp quốc gia, tôn trọng vị thế của nhà nước Việt Nam, đồng thời đặt họ trong thế không thể thoái thác nghĩa vụ.
Trong những bài tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm khác được rút tỉa từ vụ việc. Xin mời quý vị đón theo dõi.
TMT.
Một cựu nạn nhân buôn người ở Ả Rập Xê Út đã đến Hoa Kỳ
Chị H Thái Ayun sang Ả Rập Xê Út theo chương trình xuất khẩu lao động từ 2018 và trở thành nạn nhân buôn người của chương trình này. Chị đã lên tiếng rồi tiếp tay thu thập bằng chứng để vạch mặt những kẻ buôn người Việt Nam ở Ả Rập Xê Út…
Việt Nam tự trói chân mình khi giải trình với Liên Hiệp Quốc
Trên trang của Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền (OHCHR) đã cho phát hành một văn bản được biên soạn bởi chính quyền Việt Nam ngày 8 tháng 11 năm 2024 mang ký hiệu 180/VNM.24. Đây là bản giải trình của chính quyền Việt Nam trước tài liệu cáo buộc AL VNM 4/2024 của nhóm báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phát hành ngày 14 tháng 6 năm 2024….