LỜI DẪN:
Việt Nam là một quốc gia có chính sách hà khắc về tôn giáo. Một trong những biện pháp mang tính hệ thống được áp dụng với người dân theo đạo Tin Lành thuộc các sắc tộc thiểu số miền núi nhằm ép buộc họ bỏ đạo là tịch thu giấy tờ tùy thân, đuổi ra khỏi bản làng khiến họ phải sống như thú hoang trong rừng sâu. Theo điều tra chưa đầy đủ của BPSOS, ở Việt Nam có ít nhất 10,000 người là nạn nhân của biện pháp trừng phạt này. Họ bị tước đoạt các quyền công dân và quyền căn bản của con người như quyền được học hành, có việc làm, bảo đảm sinh kế, tự do di chuyển, được chăm sóc y tế, quyền kết hôn, quyền sở hữu đất đai canh tác,….
Nhà nước Việt Nam né tránh trách nhiệm và gọi đó là tình trạng “di cư tự do” nhưng BPSOS cho rằng phải gọi đó là tình trạng vô quốc gia vì những tín đồ Tin Lành thuộc các sắc tộc thiểu số này không được hưởng sự bảo vệ và các quyền đương nhiên của một công dân sống trong một quốc gia.
Đầu năm 2019, BPSOS cùng các cộng sự quyết định khởi xướng dự án giúp đỡ đồng bào vô quốc gia. Dự án này sẽ kéo dài trong nhiều năm và ngày càng có nhiều tổ chức Quốc tế trong đó có Liên Hợp Quốc theo dõi và ủng hộ. Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế dành một sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này. Điều đáng mừng là đã có những tiến triển tích cực và thiện chí từ phía chính quyền Việt Nam sau gần một năm vận động.
Dưới đây là danh sách bài viết trong loạt bài về công tác hỗ trợ đồng bào “vô quốc gia” đòi lại quyền công dân của họ:
Bài 1 – Dấu mốc pháp lý quan trọng thể hiện tinh thần thiện chí của nhà nước Việt Nam. Hoặc xem trên Facebook
Bài 2 – Vận động quốc tế hỗ trợ trong việc giải quyết tình trạng người Hmong vô hộ tịch ở Tiểu Khu 179, Tỉnh Lâm Đồng. Hoặc xem trên Facebook
Bài 3 – Người Hmong vô hộ tịch ở Tiểu Khu 179 Tỉnh Lâm Đồng được tham gia giám sát dự án tái định cư của mình – Bước tiến bộ mới rất đáng hoan nghênh của chính quyền. Hoặc xem trên Facebook
Bài 4 – Thêm một số tiến bộ mới đáng hoan nghênh của chính quyền Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng khi nhận đơn thư của người dân Tiểu Khu 179. Hoặc xem trên Facebook
Bài 5 – Đường đã mở cho những đôi chân trần của người dân Tiểu Khu 179. Hoặc xem trên Facebook
Để tăng sự quan tâm của chính những người Việt ở trong và ngoài nước về tình trạng “vô quốc gia” này, trong hy vọng sẽ có thêm tiếng nói và sự hỗ trợ thiết thực cho những đồng bào thiểu số, trong đó chủ yếu là người Hmong, bị ảnh hưởng, chúng tôi sẽ lần lượt chia sẻ kế hoạch, phương pháp vận động và cập nhật một số tiến triển của vụ việc. Chúng tôi hy vọng nhà nước Việt Nam sẽ hiểu thiện chí và đường lối của chúng tôi và tích cực hợp tác hơn nữa. Song song đó, chúng tôi cũng hy vọng người dân nói chung hiểu cách kết hợp luật pháp quốc gia với luật quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Bài 1: DẤU MỐC PHÁP LÝ QUAN TRỌNG THỂ HIỆN TINH THẦN THIỆN CHÍ CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG NGƯỜI HMONG VÔ HỘ TỊCH Ở TIỂU KHU 179 TỈNH LÂM ĐỒNG
Tiểu Khu 179, xã Lieng Sronh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng là khoảng đất hẹp nằm kẹt giữa một bên là núi cao và một bên là thượng nguồn một chi lưu của con sông Sêrêpôk. Không có con đường nào đi từ trung tâm xã Lieng Sronh hay huyện Đam Rông hoặc tỉnh Lâm Đồng tới nơi này. Con đường duy nhất có thể đến được nơi đây là một hành trình 35km đường nhựa cấp phối từ thị xã Gia Nghĩa tới thị trấn Quảng Sơn thuộc tỉnh Đăk Nông. Đi tiếp 16 km đường đất tới sát bờ sông không tên là đường phân ranh tự nhiên giữa hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng. Tiếp tục đi bộ 5km đường mòn dọc theo sông và sau đó phải vượt con sông trên bè mảng tự tạo. Vào mùa khô, hành trình đó mất khoảng nửa ngày. Còn vào mùa mưa, để tới được thị trấn Quảng Sơn thôi cũng mất cả ngày trời. Đặc biệt, khi có mưa lớn thì nơi đây bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày.
521 con người của 97 gia đình Hmong đã sống lẩn khuất ở đây hơn 20 năm qua. Họ sống hoàn toàn tách biệt với xã hội vì không có giấy tờ tùy thân. Quê gốc của những người Hmong này ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Họ có mặt ở đây sau một hành trình dài từ khi bị chính quyền địa phương tước đoạt giấy tờ tùy thân, bị xua đuổi qua nhiều nơi do quyết tâm giữ đạo Tin Lành của mình.
Năm 2004, huyện Đam Rông được thành lập và những người Hmong sống ở nơi đây bị phát hiện.
Ngày 9 tháng 7 năm 2015 Uỷ ban nhân dân huyện Đam Rông ra Thông báo số 54 yêu cầu người dân nơi đây rời khỏi địa bàn vô điều kiện. Đây chính là bằng chứng quan trọng cho thấy chính quyền đặt người dân vào tình trạng vô pháp, thoái thác trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.
Ngày 27 tháng 12 năm 2018, trong một văn bản nội bộ, chính quyền sở tại đã chính thức cấp quyền sử dụng đất nơi đây cho 9 doanh nghiệp tư nhân quản lý. Căn cứ trên văn bản này, ngày 18 tháng 5 năm 2019 doanh nghiệp tư nhân Ngân Lâm đã cho người tới đo đạc, cắm mốc trên phần đất của người dân.
Trước tình thế vô cùng nguy hiểm có thể xảy ra xung đột hình sự giữa các bên, BPSOS và các cộng sự của mình đã nhanh chóng vào cuộc. Với quan niệm, để giải quyết thành công những tồn tại xã hội bằng phương pháp vận động phi bạo lực thì đòi hỏi phải biết vận dụng tổng hợp nhiều phương thức, huy động tối đa mọi tác nhân, phải biết làm đúng cách, đúng việc và đúng thời điểm. Xem thường bất kỳ một tác nhân hay bỏ rơi một cơ hội nào đều làm giảm xác suất thành công. Vì vậy ba công việc cấp bách đã được triển khai cùng lúc. Thứ nhất, tư vấn cho người dân kiềm chế mọi hành động có thể dẫn tới xô xát đưa vụ việc qua vấn đề hình sự; đồng thời lập ngay một kế hoạch huấn luyện, đào tạo dài ngày để người dân nơi đây có được những kiến thức căn bản trong việc tự bảo vệ mình bằng luật quốc gia và luật quốc tế. Thứ hai, liên lạc với các cơ quan ngoại giao Quốc tế nhờ họ trao đổi cấp tốc với chính quyền các cấp của Việt Nam và đề nghị một lộ trình giải quyết vụ việc. Để làm việc tốt việc này, trước đó chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng và soạn tài liệu chia sẻ thông tin chính xác với quốc tế. Đây là bước tiền đề quan trọng. Chúng tôi chỉ nói sự thật chứ không nói khơi khơi trong việc vận động quốc tế. Thứ ba, đội ngũ nhân viên pháp lý được đặt trong tình trạng sẵn sàng soạn thảo các văn bản cho người dân gửi chính quyền, đưa cả hai bên vào một quan hệ pháp luật.
Sau gần một năm, trải qua nhiều thử thách và điểm nghẽn, một kết quả tích cực đã mở ra với người dân nơi đây.
Ngày 21 tháng 1 năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 125 giao cho Uỷ ban nhân dân huyện Đam Rông là chủ đầu tư dự án định cư cho toàn bộ người dân nơi đây và 53 hộ gia đình khác thuộc khu vực liền kề với tổng ngân sách lên tới 76 tỷ 784 triệu VND.
Ngày 5 tháng 2 năm 2020, Uỷ ban nhân dân huyện Đam Rông ra Quyết định số 147 giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng triển khai dự án vào tháng 4 năm 2020.
Chúng tôi đánh giá đây là một kết quả tích cực vì những lý do sau:
- Sau 20 năm sống trong tình trạng vô quốc gia và đặc biệt sau 4 năm bị đặt vào tình trạng vô pháp bởi Thông báo số 45, các Quyết định 125 và 147 là căn cứ pháp lý đưa người dân trở lại vị thế được pháp luật bảo vệ.
- Các Quyết định 125 và 147 là căn cứ pháp lý nên sẽ chính thức mở ra một tiến trình mới cho các bên thực thi các công việc thực tế khi giải quyết những vấn đề đã kéo dài 20 năm nay. Chúng tôi nhận thấy, trong nhiều vụ việc đã có những văn bản do các cấp chính quyền ban hành nhưng chúng chỉ là văn bản mang tính chỉ đạo, hướng dẫn hoặc thông báo ý kiến của cá nhân hoặc cơ quan nào đó. Các văn bản đó không phải là căn cứ pháp lý để thay đổi cục diện vấn đề cần giải quyết.
- Gần 1 năm trong tiến trình vận động thuyết phục, những xung đột đã từng ngấp nghé xảy ra, đẩy vụ việc có thể đi tới vấn đề hình sự; các công văn qua lại chính quyền vẫn từ chối trách nhiệm thì 2 Quyết định 125 và 147 chính là mốc điểm thể hiện sự thiện chí thay đổi theo hướng tích cực đáng kể của chính quyền.
Diễn tiến tích cực kể trên, tuy chưa đến đích, nhưng khẳng định rằng vận động xã hội phi bạo lực hoàn toàn có giá trị thực tiễn. Để đạt được kết quả bằng phương pháp này thì phải biết tận dụng các phương pháp đa dạng và song hành, vận dụng mọi cơ hội, mọi khả năng theo một kế hoạch trường kỳ được đánh dấu bằng các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Muốn chuyển từ đối đầu sang đối thoại để giải quyết bế tắc, chính chúng ta cần chủ động tạo cơ hội cho đối phương bằng các hướng mở để giải quyết vấn đề một cách phù hợp với mong muốn của cả hai phía.
Với trách nhiệm xã hội của mình, BPSOS sẽ chia sẻ loạt bài viết về từng phương thức hành động của vụ việc này như một minh hoạ để giúp mọi người tham khảo và áp dụng cho các trường hợp khác của mình. Xin mời theo dõi các bài tiếp theo.
TMT.
Một cựu nạn nhân buôn người ở Ả Rập Xê Út đã đến Hoa Kỳ
Chị H Thái Ayun sang Ả Rập Xê Út theo chương trình xuất khẩu lao động từ 2018 và trở thành nạn nhân buôn người của chương trình này. Chị đã lên tiếng rồi tiếp tay thu thập bằng chứng để vạch mặt những kẻ buôn người Việt Nam ở Ả Rập Xê Út…
Việt Nam tự trói chân mình khi giải trình với Liên Hiệp Quốc
Trên trang của Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền (OHCHR) đã cho phát hành một văn bản được biên soạn bởi chính quyền Việt Nam ngày 8 tháng 11 năm 2024 mang ký hiệu 180/VNM.24. Đây là bản giải trình của chính quyền Việt Nam trước tài liệu cáo buộc AL VNM 4/2024 của nhóm báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phát hành ngày 14 tháng 6 năm 2024….