Hình: ông Trương Văn Dũng và bà Nguyễn Thuý Hạnh là những người dành nhiều công sức tranh đấu cho quyền tù nhân.

Bưng bít thông tin bằng cách giam cầm nạn nhân trong các phòng giam hoặc trại giam chuyên biệt không ai được phép tiếp cận thường đi đôi với việc các nạn nhân đã bị, đang bị hoặc sẽ bị tra tấn một cách tàn bạo, vô nhân đạo và hoặc hạ nhục nhân phẩm.

Từ thực tế này, Tiến Sĩ Manfred Nowak – chuyên gia đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn đã đưa ra định nghĩa bổ sung về hành vi tra tấn cho Công Ước Chống Tra Tấn và Các Hình Thức Đối Xử hoặc Trừng Phạt Tàn Bạo, Vô Nhân Đạo hoặc Hạ Nhục Con Người vào năm 2014 sau chuyến công tác tới Việt Nam. Định nghĩa bổ sung này được diễn giải rằng khi một ai đó bị rơi vào tình trạng bị cắt đứt mọi mối liên lạc với bên ngoài nên buộc phải phó mặc mạng sống của mình trong tay các nhân viên công vụ thì hoàn cảnh đó đã đủ để thoả mãn dấu hiệu khách quan của hành vi tra tấn.

Ông Trương Văn Dũng – một tù nhân lương tâm đang bị rơi vào hoàn cảnh như thế. Thông báo của Trại Giam Gia Trung gửi bà Nghiêm Thị Hợp đã cho chúng ta căn cứ về tình trạng này của ông Trương Văn Dũng. Không ai được tiếp cận buồng kỷ luật mà ở đó ông Trương Văn Dũng phải phó thác mạng sống của mình cho sự hành hạ có chủ đích của trại giam thông qua gông cùm nên buộc phải sống trong điều kiện dơ bẩn và sự tấn công của côn trùng. Do đó, trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải làm ngay những việc có thể làm để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm mà ông Trương Văn Dũng đang phải đối mặt và xa hơn thế là để ngăn ngừa tình trạng tra tấn có thể xảy ra với bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Có hai việc mà ai cũng có thể cùng nhau tham gia

  1. Việc thứ nhất dành cho tất cả những ai quan tâm và yêu mến ông Trương Văn Dũng sống ở bất cứ đâu cũng có thể gửi ngay báo cáo cho Uỷ Ban giám sát Công Ước Chống Tra Tấn và Các Hình Thức Đối Xử hoặc Trừng Phạt Tàn Bạo, Vô Nhân Đạo hoặc Hạ Nhục Con Người của Liên Hiệp Quốc. Mặc dù Việt Nam còn bảo lưu một số điều và không tham gia vào Nghị Định Thư Bổ Sung nhưng bằng việc đã ký kết và tham gia công ước, chính quyền Việt Nam không thể nói một đằng làm một nẻo. Mọi người có thể thực hiện độc lập hoặc phối hợp với tổ chức Liên Minh Chống Tra Tấn (VN-CAT) cùng soạn thảo báo cáo và gửi cho Liên Hiệp Quốc. Sự lên tiếng của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và các quốc gia văn minh sẽ khiến chính quyền Việt Nam phải dè chừng và hạn chế những hành vi tra tấn mang tính tàn bạo, độc ác và vô lương tâm. Quan trọng hơn, trong xu thế hội nhập toàn cầu thì các khuyến nghị và sự đánh đổi qua lại giữa các lợi ích kinh tế và ngoại giao luôn luôn là một sức ép buộc chính quyền Việt Nam phải dần thay đổi theo hướng tích cực hơn.
  2. Việc thứ hai dành cho người thân của ông Trương Văn Dũng và bất cứ ai đang là công dân Việt Nam đều có quyền gửi văn bản chất vấn Trại Giam Gia Trung và ông Tô Lâm về tính pháp lý của hai văn bản mà ông Tô Lâm đã ban hành. Cũng trong văn bản, mọi người cần tận dụng quyền được tham gia quản lý xã hội của mình theo Điều 28 Hiến Pháp 2013 và quyền mình được tham gia giáo dục phạm nhân theo Điều 4 Luật Thi Hành Án Hình Sự 2019 để giám sát tình trạng trong tù của ông Trương Văn Dũng.

Ông Tô Lâm đã ban hành hai văn bản vào năm 2020 (khi đó ông ta đang giữ chức Bộ Trưởng Bộ Công An) là Thông Tư số 14/2020/TT-BCA và Thông Tư số 17/2020/TT-BCA. Hai thông tư này đã vi hiến vào Điều 19 và 20 trong Hiến Pháp 2013 và đồng thời còn vi phạm nặng nề vào các quy định trong Công Ước Chống Tra Tấn và Các Hình Thức Đối Xử hoặc Trừng Phạt Tàn Bạo, Vô Nhân Đạo hoặc Hạ Nhục Con Người của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã tham gia. Cả hai văn bản pháp luật này đều không cho phép bất kỳ người nào được tra tấn bất kỳ ai và hành vi tra tấn con người là một hành vi tội phạm. Hiện nay, ông Tô Lâm đang giữ chức Chủ Tịch Nước – là người đứng đầu quốc gia về mặt ngoại giao quốc tế nên đây sẽ là yếu tố rất thuận lợi để mọi người yêu cầu ông ta bình luận về hai văn bản của mình dưới sự giám sát của quốc tế.

Yêu cầu được thực hiện quyền tham gia xã hội theo Điều 28 Hiến Pháp 2013 và quyền được tham gia giáo dục phạm nhân theo Điều 4 Luật Thi Hành Án Hình Sự 2019 là một chiến thuật sử dụng chính luật pháp của chính quyền Việt Nam để đẩy họ vào thế bí. Nếu họ không chấp nhận những yêu cầu của người gửi đơn thì rõ ràng là tự họ đã cung cấp cho mọi người và quốc tế một bằng chứng cho thấy họ đang bưng bít thông tin về tình trạng của ông Trương Văn Dũng nhằm mục đích che giấu hành vi tội ác về việc tra tấn tàn bạo và vô nhân đạo của họ với một công dân. Nếu họ buộc phải chấp nhận yêu cầu thì họ sẽ không bao giờ dám thực hiện đến cùng mục tiêu của hành vi tra tấn ông Trương Văn Dũng theo ý đồ chủ quan trước đó của họ.

Trên thực tế, một đơn yêu cầu như thế đã được một người hoạt động xã hội chuyên theo dõi các vấn đề tù nhân và trại tù ở Việt Nam gửi tới Trại Giam Xuyên Mộc của Bộ Công An đóng tại Bà Rịa Vũng Tàu vào năm 2015. Sau một thời gian kiên trì vận động, Trại Giam Xuyên Mộc đã có sự nhượng bộ và thay đổi đáng kể trong việc giam cầm hà khắc với một tù nhân lương tâm.

Điều cần phải lưu ý rằng hai việc làm trên phải được làm song song với nhau bởi chúng có tính tương hỗ lẫn nhau. Chính quyền Việt Nam chỉ dè chừng và không dám vi phạm luật khi người dân biết nương vào thế hỗ trợ của quốc tế. Quốc tế chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể làm thay những việc mà người dân ở mỗi quốc gia phải tự làm cho chính mình. Vì vậy, hai việc làm trên phải được thực hiện trong một kế hoạch của một nhóm người làm việc có tính tổ chức để phối hợp nhịp nhàng với nhau và phải có tính duy trì liên tục chứ không phải việc làm mang tính nhất thời.

Ba Khía
Việt Nam tự trói chân mình khi giải trình với Liên Hiệp Quốc

Việt Nam tự trói chân mình khi giải trình với Liên Hiệp Quốc

Trên trang của Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền (OHCHR) đã cho phát hành một văn bản được biên soạn bởi chính quyền Việt Nam ngày 8 tháng 11 năm 2024 mang ký hiệu 180/VNM.24. Đây là bản giải trình của chính quyền Việt Nam trước tài liệu cáo buộc AL VNM 4/2024 của nhóm báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phát hành ngày 14 tháng 6 năm 2024….

Pin It on Pinterest