Trong những ngày qua, dư luận xã hội đã dành nhiều sự quan tâm tới hoạt động biểu đạt niềm tin tôn giáo của ông Lê Anh Tú với pháp danh tu tập là Thích Minh Tuệ thông qua việc đi bộ và khất thực đến nhiều nơi ở Việt Nam.
Bên cạnh việc khâm phục và tôn kính trước khả năng khác thường trong hình thức tu tập khổ hạnh và giản dị của ông Lê Anh Tú thì dư luận cũng chĩa mũi gai vào đời sống tu hành sa hoa của nhiều người đang là thành viên trong tổ chức có tên gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Điều này đã khiến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vội vã ra một văn bản nhằm tự đề cao chính mình vào ngày 16 tháng 5 năm 2024. Tuy nhiên, thật đáng lo ngại bởi vì hầu hết nội dung câu từ trong văn bản này đã thể hiện sự phỉ báng rất nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm và quyền tự do tôn giáo của ông Lê Anh Tú. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về quyền con người nên cần phải được vạch trần và yêu cầu cơ quan chức năng nhà nước phải trừng trị thích đáng tổ chức này theo luật.
Như mọi người đều biết rằng tự do tôn giáo là một nhóm nhân quyền căn bản của tất cả mọi người. Các quyền này đã được ghi nhận và bảo hộ trong các văn bản luật quốc tế là Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị của Liên Hiệp Quốc (tại các Điều 18) và luật Việt Nam tại Hiến Pháp ở Điều 24 cũng như tại Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo ở Điều 6, và hẳn nhiều người cũng biết rằng các nhân quyền về tự do tôn giáo của mọi người được chia thành hai nhóm quyền gồm các quyền tuyệt đối không được xâm phạm và các quyền chỉ có thể bị hạn chế bởi luật pháp trong một số trường hợp giới hạn tối thiểu nhất định. Thế nhưng trong văn bản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã có nội dung vi phạm nghiêm trọng cả hai nhóm quyền này của ông Lê Anh Tú.
- Thứ nhất, ông Lê Anh Tú và bất cứ ai cũng đều có quyền tự xác lập cho mình một niềm tin tôn giáo. Đây là quyền tuyệt đối không ai được xâm phạm, cản trở, bình luận hay đánh giá hoặc đặt ra các tiêu chuẩn phải theo. Thế nhưng trong văn bản này, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã ngang nhiên cho mình quyền đánh giá rằng ông Lê Minh Tú không phải là “tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa nào, tu viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Lời đánh giá này thể hiện sự lộng quyền và vô pháp bởi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã tự cho mình quyền được xác định chỉ có thành viên trong tổ chức của mình mới là người tu sĩ Phật Giáo. Để củng cố cho tiêu chuẩn tự mình đặt ra, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam còn viện dẫn rằng chính ông Lê Anh Tú cũng từng khẳng định như thế trong các video clip có trên mạng xã hội. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cần phải hiểu rằng, các phát ngôn như vậy của ông Lê Anh Tú chỉ là sự thể hiện quyền tự do ngôn luận về quyền tự xác lập nhân thân của chính ông ấy mà thôi. Các phát ngôn này của ông Lê Anh Tú chỉ nhằm thể hiện rằng ông không hề có bất cứ mối liên hệ nào với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hay bất kỳ tổ chức tôn giáo khác. Do vậy, các phát ngôn đó là thông điệp thể hiện rằng bất luận có sự áp đặt nào hay kể cả sự tuyên bố về bản thân mình thì ông Lê Anh Tú đã thực sự là một người tu tập mà ông không muốn cũng như không cần bất cứ ai xác lập cho ông về trường phái hay tôn giáo. Mặt khác, thông điệp phát ngôn này cũng cần phải hiểu rằng, ông Lê Anh Tú đang thực hành sự tu tập chỉ cho bản thân mình chứ ông không hướng tới trở thành người truyền giảng và truyền thụ cách thức tu tập của mình cho bất cứ ai. Do vậy, bất cứ ai xác định ông là Thầy, là Tu Sĩ Phật Giáo hay là gì thì đó cũng chỉ là phát ngôn chủ quan của người đó chứ không phải là điều ông muốn có hoặc hướng tới.
- Thứ hai, việc bộ hành và khất thực là một hình thức để ông Lê Anh Tú biểu đạt niềm tin tôn giáo của mình ở chốn công cộng. Quyền biểu đạt niềm tin tôn giáo tuy không phải là một quyền tuyệt đối nhưng chỉ có cơ quan quyền lực nhà nước mới có thể được phép giới hạn. Sự giới hạn này phải được ấn định bằng một văn bản luật định nghĩa từ trước dựa trên những gì quyền biểu đạt niềm tin tôn giáo có thể ảnh hưởng hoặc xung đột với quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc ảnh hưởng tới trật tự công cộng. Ông Lê Anh Tú không phải chịu trách nhiệm về việc những đám đông đi theo ông hay việc dư luận xã hội so sánh và chỉ trích sự tha hoá của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Trong trường hợp tự nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị người cụ thể nào đó xâm phạm thì Giáo Hội Phật Giáo phải thực hiện các hành động pháp lý đối với người cụ thể đó. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không được phép ra văn bản công khai với ngụ ý xác định ông Lê Anh Tú là nguyên nhân dẫn đến hậu quả mình bị người khác tấn công. Bằng việc ra thông báo này, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã lợi dụng tình huống để cản trở quyền biểu đạt niềm tin tôn giáo của ông Lê Anh Tú.
- Thứ ba, ông Lê Anh Tú và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là hai thực thể bình đẳng với nhau trong xã hội. Vì vậy, trong các văn bản của mình, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không được phép dùng đại từ bất định mang tính công kích “người đàn ông này” nhiều lần trong văn bản khi đã biết rõ ông Lê Anh Tú là ai. Thêm nữa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không phải là một cơ quan quyền lực nhà nước. Do đó, trong mọi trường hợp và mọi hoàn cảnh, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không được phép công khai các thông tin cá nhân của ông Lê Anh Tú và thân nhân của ông Lê Anh Tú như trong văn bản nêu trên.
Trong một động thái khác, cùng ngày 16 tháng 5 năm 2024, Ban Tôn Giáo Chính Phủ Việt Nam cũng đã ra văn bản về công tác quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động biểu đạt niềm tin tôn giáo của ông Lê Anh Tú. Điều đáng ghi nhận là trong văn bản này, ít nhất về mặt hình thức câu từ, Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã phải thừa nhận “tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì” niềm tin tôn giáo của bất cứ ai. Đồng thời, Ban Tôn Giáo Chính Phủ cũng yêu cầu mọi người “không được cản trở, làm ảnh hưởng việc tu học” của người khác (ông Lê Anh Tú và bất cứ ai). Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam cũng như điều luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.
Rõ ràng là ở đây Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã tự cho mình quyền cao hơn pháp luật và Ban Tôn Giáo Chính Phủ (là cơ quan hành pháp chuyên về lĩnh vực tôn giáo) để vi phạm pháp luật, tấn công có chủ đích tới danh dự, nhân phẩm và hàng loạt các nhân quyền cơ bản về tôn giáo của ông Lê Anh Tú và gia đình người thân ông Lê Anh Tú.
Chúng ta hãy cùng chờ xem chính quyền Việt Nam với nghĩa vụ và chức năng quản lý nhà nước có ra tay xử lý Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không. Mặt khác, từ căn cứ vi phạm pháp luật rõ ràng nhất này của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, mỗi công dân Việt Nam yêu mến và khâm phục đức tín của ông Lê Anh Tú đều có quyền làm đơn trình báo nhắc nhở và yêu cầu chính quyền Việt Nam phải xử lý tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Đây là việc nên làm thay cho hành vi chỉ đả kích Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và những cá nhân trong tổ chức này trên không gian mạng.
Ba Khía
Lại thêm một người H’mong chết trong tù
Người xấu số là ông Thào A Páo, 85 tuổi quê ở Bản Huổi Thủng 3, Xã Na Cô Sa, Huyện Nậm Pồ, Tỉnh Điện Biên đã chết trong trại tù Thanh Phong ở Tỉnh Thanh Hóa.
Việt Nam tự trói chân mình khi giải trình với Liên Hiệp Quốc
Trên trang của Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền (OHCHR) đã cho phát hành một văn bản được biên soạn bởi chính quyền Việt Nam ngày 8 tháng 11 năm 2024 mang ký hiệu 180/VNM.24. Đây là bản giải trình của chính quyền Việt Nam trước tài liệu cáo buộc AL VNM 4/2024 của nhóm báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phát hành ngày 14 tháng 6 năm 2024….