Tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) đưa tin, vào ngày 25 tháng 12 năm 2024 vừa qua, Toà Án Vùng Bắc Thành Phố Bangkok của Thái Lan đã xét xử và ra phán quyết về các vi phạm nhập cư của ông Y Quỳnh Bdap. Đây là phán quyết thuần tuý tuân theo nội luật của Thái Lan. Theo đó, ông Y Quỳnh Bdap phải chịu phạt bốn tháng 40 ngày tù và 8000 baht (đơn vị tiền của Thái Lan).
Vì ông Y Quỳnh Bdap bị các nhà chức trách Thái Lan bắt giam từ ngày 11 tháng 6 năm 2024 nên tính đến thời điểm này ông Y Quỳnh Bdap đã chịu xong án nên phải được trả tự do.
Xét theo thông lệ quốc tế thì hiện nay quốc gia Thái Lan chỉ có một lựa chọn phù hợp nhất đó là trục xuất ông Y Quynh Bdap về Việt Nam. Hiện nay, ông Y Quỳnh Bdap đã được Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cấp quy chế và quốc gia Canada đang xem xét đơn xin tái định cư. Tuy nhiên, ông Y Quỳnh Bdap chưa có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào ngoài Việt Nam.
Do vậy, các cơ quan chức năng Thái Lan vẫn tiếp tục giam giữ ông Y Quỳnh Bdap với hai lý do hợp lý đó là để xem xét yêu cầu dẫn độ từ phía chính quyền Việt Nam nhằm buộc ông Y Quỳnh Bdap phải chịu một bản án đã tuyên phán hồi đầu năm 2024 hoặc chuẩn bị các thủ tục trục xuất. Mặc dù đây là hai thủ tục tư pháp khác nhau nhưng tất cả đều đẩy ông Y Quỳnh Bdap tới chung một kết cục đó là hình phạt 10 năm tù giam theo một tòa án Việt Nam đã xử vắng mặt ông trước đó. Thêm nữa, dù có đủ cơ sở pháp lý theo luật quốc nội và luật khu vực để biện minh thì chính quyền hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan cũng đều phải hứng chịu sự chỉ trích của dư luận quốc tế do tính chất vụ việc là một chuỗi sự kiện vi phạm các quyền căn bản của con người và quyền của người tị nạn.
Tuy nhiên, trong tình thế đó đã xuất hiện một thông tin rất đáng chú ý và đầy nghi ngờ. Đó là cũng đúng vào ngày 25 tháng 12 năm 2024, các cơ quan chức năng Tỉnh Đắk Lắk đã trao cho người thân của ông Y Quỳnh Bdap hiện đang sống tại Việt Nam một văn bản có tên mỹ miều là “thư kêu gọi người đang bị truy nã ra đầu thú”.
Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý của Đề Án Dân Quyền Việt Nam thì đây là một tín hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam đang chủ động dàn dựng một kịch bản để tránh dư luận quốc tế chĩa mũi dùi vào họ và chính quyền Thái Lan. Kịch bản sẽ được diễn theo các bước như sau: Chính quyền Việt Nam sẽ thúc ép bằng mọi cách để một ai đó gọi điện thoại hoặc làm văn bản gửi tới họ đề nghị hỗ trợ ngoại giao với chính quyền Thái Lan cho được gặp hoặc gọi điện thoại động viên ông Y Quỳnh Bdap đang ở trong trại giam. Một cuộc thăm gặp của nhân viên ngoại giao thuộc chính quyền Việt Nam với ông Y Quỳnh Bdap sẽ được thực hiện khẩn trương trong trại giam của Thái Lan. Sau cuộc điện thoại và cuộc gặp gỡ này, một bản ghi âm, ghi hình hoặc một văn bản với bút tích của ông Y Quỳnh Bdap thể hiện rằng mình xin đầu thú sẽ được hoàn thiện bất chấp điều đó có thực hay không. Ngay cả khi có thực thì cũng không lấy gì làm chắc chắn về tính khả tín của nó. Ngoài ra, không quá khó để chính quyền Việt Nam cũng sẽ chủ động làm ra một văn bản có tên gọi là “đơn xin bảo lãnh” của ai đó trong số những người thân của ông Y Quỳnh Bdap xin vận động và bảo lãnh để chính quyền Việt Nam đưa ông Y Quỳnh Bdap về nước chịu án phạt tù.
Trong quá khứ, chính quyền Việt Nam đã từng giỡn mặt chính quyền Cộng Hoà Liên Bang Đức khi thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh để đưa về nước rồi vẫn lớn tiếng qua mặt nước chủ nhà và dư luận quốc tế để nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh chủ động về nước đầu thú.
Cũng trong quá khứ, chính quyền Việt Nam đã từng qua Thái Lan tiến hành các vụ bắt cóc ông Trương Duy Nhất và ông Đường Văn Thái với sự giúp sức hoặc làm ngơ của chính quyền Thái Lan.
Để hỗ trợ cho ông Y Quỳnh Bdap, các luật sư do BPSOS thuê vẫn đang tiến hành các thủ tục kháng cáo đối với quyết định dẫn độ. Ngoài ra, chiến dịch theo dõi và đồng hành cùng Y Quynh Bdap do BPSOS và MSFJ khởi xướng vẫn đang thu hút đông các tổ chức nhân quyền quốc tế và các quốc gia quan tâm tới nhân quyền ở Việt Nam cùng tham gia. Chiến dịch này sẽ chỉ kết thúc khi chính quyền Việt Nam và các quốc gia có dính líu chấp nhận cho phép các quốc gia khác tiếp nhận định cư với ông Y Quỳnh Bdap.
BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam
Công an Thị Xã Hòa Thành bao che tội phạm
Theo Giấy Báo Tin của Viện Kiểm Sát Thị Xã Hoà Thành, Tỉnh Tây Ninh đề ngày 10 tháng 12 năm 2024 thì họ đã chuyển đơn tố giác tội phạm của một số người đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 trong đó có ông Trần Ngọc Sương tới trực tiếp cho Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Thị Xã Hoà Thành để xử lý tin báo tội phạm…
Lại thêm một người H’mong chết trong tù
Người xấu số là ông Thào A Páo, 85 tuổi quê ở Bản Huổi Thủng 3, Xã Na Cô Sa, Huyện Nậm Pồ, Tỉnh Điện Biên đã chết trong trại tù Thanh Phong ở Tỉnh Thanh Hóa.