Hình: tù nhân Lê Thanh Nhất Nguyên.

Bức hình tù nhân Lê Thanh Nhất Nguyên mặc áo sọc xám trong bài viết này là do chính Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An Tỉnh Long An cung cấp cho giới báo chí Việt Nam đăng tải công khai. Bức hình được chụp vào ngày 9 tháng 7 năm 2024 tại Trại Tạm Giam B34 của Bộ Công An đóng tại Sài Gòn khi họ thực hiện việc tống đạt các quyết định liên quan tới việc phục hồi điều tra đối ông Lê Thanh Nhất Nguyên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bức hình nêu trên đang cung cấp cho mọi người nhiều bằng chứng về sức khoẻ rất tồi tệ của tù nhân Lê Thanh Nhất Nguyên. Trong bức hình, tại gò má trái của tù nhân có một vết sưng và bầm tím. Thần thái của tù nhân dù mới chỉ 33 tuổi nhưng dáng vẻ rất tiều tụy, hốc hác. Là một người tu hành với sự biểu đạt niềm tin tôn giáo bằng việc cạo đầu nhưng hình ảnh cho thấy tù nhân Lê Thanh Nhất Nguyên đã bị cưỡng bức từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình buộc phải để tóc dài.

Điều này cho thấy rằng tù nhân Lê Thanh Nhất Nguyên đã bị tước đoạt và cấm cản thực hành niềm tin tôn giáo ở trong tù và đang bị rơi vào một hoặc cả ba hoàn cảnh sau đây:

  1. Bị chính các nhân viên công vụ quản lý nhà tù tấn công có chủ đích xâm hại tới sức khoẻ và tính mạng bằng một biện pháp nghiệp vụ trái pháp luật nào đó.
  2. Bị những tù nhân khác tấn công xâm hại tới sức khoẻ và tính mạng dưới sự cho phép và làm ngơ của các nhân viên công vụ quản lý nhà tù. Đây là điều thường xuyên xảy ra trong các nhà tù ở Việt Nam.
  3. Bị các nhân viên công vụ quản lý nhà tù giam cầm trong điều kiện vô nhân đạo không đảm bảo các điều kiện tối thiểu để duy trì sức khoẻ và đang phải phó thác mạng sống của mình cho sự may rủi của bệnh tật mà không được khám chữa kịp thời.

Trại Tạm Giam B34 của Bộ Công An phải chịu trách nhiệm trước tù nhân Lê Thanh Nhất Nguyên và pháp luật vì đã để xảy ra một hoặc cả ba hoàn cảnh trên.

Điều 4 Luật Thi Hành Án Hình Sự 2019 quy định việc thi hành án phải tuân thủ Hiến Pháp, kết hợp trừng trị và cải tạo giáo dục trên nguyên tắc phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ và tính mạng của phạm nhân.

Không những thế, tại Điều 10 Luật Thi Hành Án Hình Sự 2019 còn cấm “Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp.”

Ba hoàn cảnh nói trên mà tù nhân Lê Thanh Nhất Nguyên có thể đang phải chịu đựng mang dấu hiệu rõ nét theo định nghĩa về tra tấn được quy định trong Điều 1 của Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc (UNCAT) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2013.

Cần phải nhắc lại rằng vào năm 2022, ông Lê Thanh Nhất Nguyên và một số người khác ở Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ đã bị các cơ quan tố tụng Tỉnh Long An điều tra, truy tố, xét xử và tuyên phạm tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ Luật Hình Sự 2015. Tại các phiên xét xử công khai, ông Lê Thanh Nhất Nguyên khai báo rằng mình đã bị lực lượng công an bức cung, làm nhục hình và tra tấn trong quá trình bị tạm giam và hỏi cung. Tuy nhiên, khi đó hội đồng xét xử đã yêu cầu ông Lê Thanh Nhất Nguyên phải đưa ra bằng chứng cho lời khai báo này. Yêu cầu này là không phù hợp và có dấu hiệu của việc bao che tội phạm của hội đồng xét xử. Bởi lẽ, bất cứ ai cũng biết tình trạng của người tù là đang bị các cơ quan chức năng hạn chế và tước đoạt các khả năng có thể lưu và thu thập chứng cứ cho việc bị các nhân viên công vụ xâm hại mình.

Với các dấu hiệu khách quan của bức hình này, những ai quan tâm đến tình trạng của ông Lê Thanh Nhất Nguyên và những người trong vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ cũng đều có thể gửi đơn tố giác tội phạm tới các cơ quan chức năng Việt Nam để bảo vệ những người mình quan tâm. Biện pháp nghiệp vụ phải được áp dụng trong trường hợp này đó là chất vấn trực tiếp giữa ông Lê Thanh Nhất Nguyên và những người có liên quan. Ngay cả khi không có ai tấn công xâm hại sức khoẻ và tính mạng của ông Lê Thanh Nhất Nguyên thì cơ quan giam giữ vẫn phải chịu trách nhiệm về việc đã để ông ấy rơi vào tình trạng sức khoẻ tồi tệ trong khi thi hành án theo quy định của pháp luật.

Việc lên tiếng hỗ trợ và bảo vệ ông Lê Thanh Nhất Nguyên trong trường hợp này chỉ thuần tuý là bảo vệ các quyền con người mà ông ấy đang bị xâm hại hoặc bị tước đoạt trong quá trình giam giữ và phạt tù. Việc này không chống lại hoặc can thiệp vào các quyết định hành pháp và tư pháp của chính quyền Việt Nam đang áp dụng đối với ông Lê Thanh Nhất Nguyên.

Tác giả: Ba Khía
Việt Nam tự trói chân mình khi giải trình với Liên Hiệp Quốc

Việt Nam tự trói chân mình khi giải trình với Liên Hiệp Quốc

Trên trang của Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền (OHCHR) đã cho phát hành một văn bản được biên soạn bởi chính quyền Việt Nam ngày 8 tháng 11 năm 2024 mang ký hiệu 180/VNM.24. Đây là bản giải trình của chính quyền Việt Nam trước tài liệu cáo buộc AL VNM 4/2024 của nhóm báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phát hành ngày 14 tháng 6 năm 2024….

Pin It on Pinterest