Hôm nay, ngày 7 tháng 5 năm 2025, tại Nepal, báo cáo viên đặc biệt về chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc – bà Tiến Sĩ Alice Jill Edwards đã có buổi làm việc với một nạn nhân từng bị chính quyền Việt Nam tra tấn. Mục đích của buổi làm việc này của bà Alice Jill Edwards là để thu thập dữ liệu về thực trạng cán bộ công chức của chính quyền Việt nam đang sử dụng các biện pháp tra tấn như một phương pháp hỗ trợ trong quản trị xã hội. Cần nhắc lại và nhấn mạnh rằng tình trạng này rất có thể là một chính sách có chủ trương và mang tính hệ thống khi chính quyền Việt Nam tuy tham gia Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc nhưng họ bảo lưu Điều 4 về nghĩa vụ luật hoá hình sự hành vi tra tấn và Phần II về thẩm quyền của Uỷ Ban Chống Tra Tấn. Bên cạnh đó, họ cũng không ký Nghị Định Thư Bổ Sung để cam kết thực thi triệt để công ước.
Nạn nhân là một công dân Mỹ gốc Việt hiện đang sống tại Tiểu Bang California. Vào năm 2018, nạn nhân trở về Việt Nam thăm người thân. Khi đó ở Việt Nam, người dân đang dấy lên làn sóng biểu tình khắp nơi để phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng do nội dung hai đạo luật này có nhiều vi phạm nhân quyền và an ninh quốc phòng. Vào ngày 16 tháng 6 năm 2018, nạn nhân đã bị lực lượng cảnh sát thành phố Hồ Chí Minh bắt khi đang đi dạo ở khu vực hồ Con Rùa chỉ vì lực lượng này tự nhận định chủ quan cho rằng nạn nhân đang chuẩn bị tham dự cuộc biểu tình. Sau khi bị bắt, nạn nhân đã bị lực lượng công an giam giữ trái pháp luật trong suốt 2 ngày. Nạn nhân đã bị tra tấn với mục đích ép buộc phải tự thú tội rằng mình chuẩn bị tham gia biểu tình phá rối trật tự công cộng. Nhiều hình thức tra tấn đã được lực lượng công an áp dụng bao gồm đấm, đá, treo người lên cửa sổ phòng giam, bóp cổ cho ngạt thở, bắt nạn nhân nằm sấp và giẫm đạp lên người nạn nhân, thúc đầu gối vào mạng sườn và bụng nạn nhân, chửi bới và làm nhục, giam cầm tới hai ngày trong điều kiện vô nhân đạo bao gồm thiếu thực phẩm, nước uống, vệ sinh cá nhân, cưỡng bức làm việc trong đêm…
Dù biết nạn nhân là công dân Mỹ nhưng chính quyền Việt Nam đã không thông báo cho cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ biết theo luật định.
Sau khi trở về Hoa Kỳ, dưới sự hỗ trợ của BPSOS và Coalition Against Torture Vietnam (VN-CAT – Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam), nạn nhân đã gửi đơn yêu cầu chính quyền Việt Nam phải điều tra xử lý vụ việc nhưng không nhận được hồi âm nào ngoại trừ thư xác nhận đã nhận được đơn của nạn nhân từ Đại Sứ Quán Việt Nam ở Hoa Kỳ.
Rõ ràng, trong vụ việc này, chính quyền Việt nam không chỉ tra tấn con người mà hành vi và tình huống này còn là bằng chứng cho thấy họ tra tấn người xuyên quốc gia bất chấp luật và thông lệ quốc tế. Chính vì điều đặc biệt nghiêm trọng này đã khiến vị báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc chú ý với nhiều sự quan ngại.
Ngoài ra, trong buổi làm việc này, báo cáo viên đặc biệt về tra tấn của Liên Hiệp Quốc cũng muốn thu thập các thông tin chung về tình trạng tra tấn ở Việt Nam. Nạn nhân sẽ trình bày một bản dữ liệu do BPSOS và VN-CAT chuẩn bị. Theo đó, tính từ năm 2007 đến hết tháng 12 năm 2018, ở Việt Nam có tới 129 nạn nhân bị chết trong khi đang bị các cơ quan chức năng giam giữ và cưỡng bức làm việc. Đây chỉ là con số thống kê các nạn nhân phải chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của hành vi tra tấn. Nó không phải là con số thống kê đầy đủ mọi trường hợp bị tra tấn khác nhưng chưa dẫn đến cái chết. Bản báo cáo này cũng khiến bà Alice Jill Edwards chú ý về một tình trạng tồi tệ khác đang được duy trì ở Việt Nam đó là chính quyền đang ra sức tìm mọi cách bưng bít thông tin về tra tấn trong đó có bao gồm việc đe doạ nạn nhân và người nhà nạn nhân cung cấp thông tin cho báo chí và người bảo vệ nhân quyền, cấm các nhà hoạt động nhân quyền thu thập thông tin về tra tấn.
Để biết thêm thông tin về buổi làm việc này và các hoạt động khác của chương trình đặc biệt về vấn đề tra tấn trên toàn cầu, mời quý vị chú ý theo dõi các băng video phỏng vấn của BPSOS với nạn nhân. Vì lý do an toàn cho nạn nhân nên các video phỏng vấn này buộc phải thực hiện sau khi nạn nhân đã trở về Hoa Kỳ.
BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam
Chuẩn bị cho phiên rà soát Nhà nước Việt Nam về Công ước chống tra tấn
Vừa qua tại Nepal vào đầu tháng 5, một nạn nhân người Việt bị tra tấn đã có cơ hội gặp và kể lại câu chuyện của mình với Báo cáo viên Đặc biệt về tra tấn của Liên Hiệp Quốc.
Liên Hiệp Quốc tổ chức phiên điều trần về tra tấn – Việt Nam bị chú ý đặc biệt
Trong ba ngày 6, 7 và 8 tháng 5 năm 2025, tại Nepal, báo cáo viên đặc biệt về chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc – bà Tiến Sĩ Alice Jill Edwards và tổ chức Liên Minh Chống Tra Tấn – OMCT đã và đang tổ chức các phiên điều trần về tình trạng tra tấn trên toàn cầu.