Trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 có một điều khoản về quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Theo đó: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay niềm tin qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình với người khác, tại nơi công cộng hay nhà riêng. (điều 18)
Quyền này không những là một quyền phổ quát mà con người đương nhiên được hưởng mà nó còn rất dễ để đáp ứng, nó không yêu cầu hay đòi hỏi nơi nhà nước một sự nỗ lực lớn lao gì, ngoài một sự hiểu biết và bổn phận phải biết.
Vậy mà ở Việt Nam, sự đàn áp, bắt bớ, giam cầm đối với những người có niềm tin tôn giáo độc lập không chịu sự bảo kê của nhà nước như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Đạo Tin Lành của người Thượng và người Hmong, Phật giáo Hòa Hảo, chi phái Cao Đài nguyên thủy (được thành lập năm 1926) đã diễn ra rất nghiêm trọng. Theo thống kê của “NOW! Campaign“, một liên minh gồm 14 tổ chức nhân quyền và dân sự vận động quốc tế kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm (TNLT), tính đến tháng 3 năm 2019 Việt Nam đang giam giữ 248 TNLT, trong số đó 101 bị cầm tù vì lý do tôn giáo. Điều đó cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng của nhà nước Việt Nam đối với một điều luật Quốc tế quy định về một nhân quyền phổ quát này.
Thể chế độc tài toàn trị ở Việt Nam đã đi ngược đường với thế giới văn minh, nó chống lại quyền được theo đuổi những giá trị nhân bản và cốt lõi nhất của con người.
Thế giới văn minh không chỉ cổ súy và tạo điều kiện tối ưu cho sự tự do của con người, họ còn kịch liệt lên án cũng như đưa ra các biện pháp chế tài đối với những hành vi chống lại quyền con người ở những nước như Việt Nam. Các cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc và Quốc Hội Hoa Kỳ hoạt động tích cực nhất trong việc đồng hành cùng những người dám đấu tranh cho quyền của mình.
Khai dụng lợi thế này, từ nhiều năm qua BPSOS đã liên tục tổ chức các cuộc vận động nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Với mục tiêu cải thiện tình hình nhân quyền thông qua việc kêu gọi sự tác động của cộng đồng quốc tế lên nhà nước Việt Nam, buộc họ phải tuân thủ các Công ước Quốc tế về Nhân quyền mà họ đã ký, ngưng tay đàn áp bắt bớ, trả tự do cho tù nhân lương tâm, cũng như áp dụng một số biện pháp chế tài đối với các quan chức đã thực hiện hành vi vi phạm nhân quyền, đàn áp người dân.
Nỗ lực tổng vận động từ năm 2012 đến cuối năm 2016 đã đạt những thành quả đáng kể như:
(1) Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật Magnitsky Toàn Cầu và luật Tăng Cường Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo cuối năm 2016;
(2) 17 tù nhân lương tâm Việt Nam được các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ kết nghĩa, trong số đó nhiều người đã được tự do;
(3) Phần nào giảm thiểu các cuộc đàn áp nhắm vào các cộng đồng tôn giáo và bản địa ở Việt Nam.
Cuộc tổng vận động năm nay là lần thứ 10 trong 9 năm qua được tổ chức tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào hai ngày 10 và 11 tháng 7. Trong cuộc tổng vận động năm nay, Chương trình “VN Advocacy Day” được chia làm 3 phần:
1/ Ngày đầu tiên là buổi họp mặt của Ban tổ chức với các cử tri người Mỹ gốc Việt đến từ hơn hai mươi tiểu bang của Hoa Kỳ và một số đồng hương đến từ quốc nội, Canada, và Anh Quốc. Ngoài ra còn có nhân chứng người Việt đang lánh nạn tại Thái Lan tham dự. Mục đích của buổi họp mặt này là để ban tổ chức hướng dẫn các thành viên tham gia đợt vận động về những nguyên tắc cần phải tuân thủ khi đi vận động, những chủ đề chính cần trình bày, và mục tiêu của cuộc vận động. Phái đoàn của từng tiểu bang được thông báo địa điểm và lịch họp của mình. Những phái đoàn lần đầu tham gia vận động sẽ được ban tổ chức cử một tình nguyện viên có nhiều kinh nghiệm vận động Quốc Hội đến là trưởng nhóm để hướng dẫn và điều phối những buổi họp với văn phòng các vị dân cử.
Về quyền tự do tôn giáo, nội dung chính được hướng tới trong đợt vận động cho Việt Nam này là:
- Đề nghị Bộ Ngoại Giao và Chính Phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại vào danh sách “các quốc gia cần phải quan tâm” (Country of Particular Concern – CPC) vì tình trạng đàn áp tự do tín ngưỡng gia tăng trầm trọng trong hơn 10 năm qua. Đề nghị chính phủ Việt Nam phải thừa nhận các tổ chức tôn giáo ngoài quốc doanh như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), chấm dứt việc can thiệp vào nội bộ của Công giáo và các tổ chức tôn giáo khác, giải quyết các vấn đề tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo như luật đất đai, luật dân sự.
- Áp dụng các biện pháp chế tài đã được quy định trong Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf và Luật Nhân Quyền Magnitsky Toàn Cầu đối với các quan chức cộng sản VN nào đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng và những quyền tự do khác của người dân VN.
- Thúc ép chính quyền Việt Nam trả tự do tất cả những người bị bắt vì tín ngưỡng và các tù nhân lương tâm khác, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật vi phạm quyền con người, cho phép thành lập các tổ chức xã hội dân sự thực sự không nằm dưới sự bảo kê của nhà nước.
- Hỗ trợ chương trình giải quyết khiếu nại của công dân Mỹ có tài sản đã bị chính quyền Việt Nam tịch thu bất công trong quá khứ.
2/ Ngày thứ hai các tham dự viên phái đoàn vận động gặp gỡ và đệ trình lên các vị Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Hạ Viện Hoa Kỳ của các tiểu bang, các quan chức hành pháp của Chính phủ về những nguyện vọng và mong muốn của mình với các vấn đề nêu trên nhằm mục đích đem lại cuộc sống có Dân Chủ và Nhân Quyền thật sự cho dân tộc và đất nước Việt Nam.
Trong kỳ vận động năm nay ngoài việc tập trung vào các vấn đề vừa nêu, BPSOS còn chuẩn bị một danh sách các Tù nhân lương tâm (TNLT) để đề nghị các vị Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ nhận bảo trợ gồm có:
-TNLT Nguyễn Bắc Truyển.
-TNLT Bùi Văn Trung.
-TNLT Hoàng Đức Bình.
-TNLT A Dao (người dân tộc thiểu số).
-TNLT Trần Thị Nga.
-TNLT Trần Anh Kim.
-TNLT Y Yich (dân tộc thiểu số).
-TNLT Đỗ Thị Hồng.
3/ Ngày thứ ba là cuộc họp khoáng đại với các giới chức trong chính quyền Hoa Kỳ bao gồm nhánh hành pháp (nhân viên của Bộ Ngoại Giao), nhánh lập pháp (gồm các Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Hạ viện). Đại diện Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ- một cơ quan tham vấn cho Chính phủ về vấn đề tôn giáo cũng có mặt. Ngoài ra còn có đại diện của một số tổ chức xã hội dân sự quốc tế và đông đảo người Mỹ gốc Việt đã tham gia cuộc họp khoáng đại này.
Tất cả các vị khách trong phần phát biểu của mình đều nhấn mạnh rằng họ luôn mong muốn được lắng nghe từ các những người Việt hãy nói cho họ biết nhiều hơn về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và cho biết đề nghị cần họ giúp đỡ cụ thể điều gì.
Đại Diện của Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ là bà Gayle Manchin, phó chủ tịch tổ chức. Bà là người cổ vũ rất mạnh mẽ việc yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại trong danh sách các quốc gia cần được quan tâm vì tình trạng vi phạm trầm trọng Tự Do Tôn giáo.
Tiếp sau cuộc họp khoáng đại là cuộc buổi họp giữa đại diện các tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, vv với ông Scott Busby, Phụ Tá Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. Ông Scott Busby là người dẫn đầu phái đoàn tham dự cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ và Việt Nam hồi tháng 6 năm nay. Ông là người nắm rất rõ tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong đó có tình trạng vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Ngày Vận động cho Việt Nam tại Quốc hội Mỹ năm nay, với sự tham gia của khoảng 250 đồng hương đến từ hơn 20 tiểu bang và vùng lãnh thổ bên ngoài Hoa Kỳ. Đặc biệt có sự tham gia của những vị chức sắc uy tín của các tôn giáo tự do như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Uỷ Ban Công Lý và Hòa Bình, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Chân Truyền 1926, các mục sư Tin Lành, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo… đã cùng cất lên một tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền Việt Nam.
Tổ chức hoạt động này hàng năm, BPSOS muốn tạo điều kiện cho người Việt Nam ở khắp nơi, đặc biệt là những người Việt đang sinh sống trên đất Mỹ, có điều kiện để cất lên tiếng nói cho đồng bào của mình, sát cánh trong công cuộc đấu tranh cho những giá trị căn bản nhất: Tự do – Dân chủ – Nhân quyền cho quê hương Việt Nam.
Chi tiết về Ngày vận động cũng như các hoạt động khác vẫn đang tiếp diễn, được cập nhật trên trang Đề Án Dân Quyền và trang BPSOS – Advocacy Project, xin mời bạn đọc chú ý theo dõi.
MSFJ và Kế hoạch vận động đưa Việt Nam vào lại CPC
“Chính quyền Việt Nam đã đàn áp quyền tự do tôn giáo của các sắc dân bản địa người Thượng chúng tôi suốt từ năm 1975 đến nay bằng mọi hình thức và mọi thủ đoạn mang tính hệ thống. Sự kiện trầm trọng nhất là họ đã vận động ngoại giao để chính quyền Thái Lan bắt và đang trong kế hoạch giao trả cho họ ông Y Quỳnh Bdap – một thành viên sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) của chúng tôi. Đây là bước đi trong kế hoạch nhằm triệt phá bằng được phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người Thượng bản địa ở Tây Nguyên. Chúng tôi không chấp nhận thua cuộc. Vì vậy, chúng tôi đã và đang thực hiện một kế hoạch để họ phải trả giá. Một trong những mốc điểm mà chúng tôi đặt ra là họ phải bị nêu tên trong danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (Countries of Particular Concern – CPC) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cuối năm nay hoặc năm sau.” Trên đây là lời phát biểu nhấn mạnh song song của ông Y Phic Hdok và ông Quan Van Dau…
Vụ cận vệ chủ tịch nước lạm dụng tình dục ở Chi-lê: Quan thì được nhưng Dân thì không
Dư luận người Việt và Chile rất bất bình khi hay tin một cận vệ của Chủ Tịch Nước Việt Nam đã phạm tội lạm dụng tình dục tại Chile khi phái đoàn tới thăm nước này. Người cận vệ này có tên là Lại Đắc Tuấn, 59 tuổi hiện đang giữ chức vụ Phó Phòng Hậu Cần Bộ Tư Lệnh Cảnh Vệ thuộc Bộ Công An…