Các việc cần làm trong 18 tháng tới
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 22 tháng 6, 2019
Mỗi đời Hành Pháp và mỗi khoá Quốc Hội của Hoa Kỳ lại có những ưu tiên khác nhau về chính sách đối ngoại, trong đó có chính sách về nhân quyền. Những ưu tiên này một phần không nhỏ là do ảnh hưởng của các khối cử tri đã ủng hộ cho các ứng cử viên đắc cử vào Toà Bạch Ốc hoặc Quốc Hội. Chúng ta phải biết và hiểu ưu tiên về nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở từng thời kỳ thì mới nhận ra được các cơ hội để xúc tác cho sự thay đổi cho Việt Nam.
Ưu tiên về nhân quyền của Hành Pháp Trump
Có những người mang định kiến là Tổng Thống Trump không quan tâm đến nhân quyền, cho nên chẳng có gì để trông chờ nơi chính sách của Hoa Kỳ về nhân quyền trong 4 năm nhiệm kỳ của ông ấy. Đó là cách nhìn đơn giản hoá đến mức thô thiển. Trong một thể chế dân chủ như Hoa Kỳ, chính sách quốc gia về đối ngoại không chỉ do Tổng Thống quyết định mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Ở Hoa Kỳ, các yếu tố chi phối chủ yếu gồm có: khối cử tri hậu thuẫn, thành phần nội các, và các vị dân cử cùng đảng trong Quốc Hội. Các yếu tố này đã đẩy tự do tôn giáo thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách về nhân quyền của Hành Pháp Trump.
Khối cử tri hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho ứng cử viên Donald Trump là các cộng đồng Thiên Chúa Giáo, trong đó có những nhóm quan tâm đến quyền tự do tôn giáo trên thế giới. Từ năm 2010 một số các nhóm này bắt đầu tập hợp lại để cùng nhiều tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế vận động đưa tự do tôn giáo vào chính sách quốc gia về đối ngoại. Sau nhiều năm hoạt động, tập hợp này đã phát triển đủ để ảnh hưởng và đóng góp với chính phủ Hoa Kỳ để thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Hành Pháp Trump ngay từ đầu đã hợp tác chặt chẽ với mạng lưới các tổ chức này, được mệnh danh Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.
Thành phần nội các của Hành Pháp Trump có những người thực sự quan tâm đến tự do tôn giáo, mà tiêu biểu nhất là Phó Tổng Thống Mike Pence, Ngoại Trưởng Mike Pompeo và Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Sam Brownback. Cả 3 nhân vật này trước đây đều là hạ nghị sĩ hoặc thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Khi còn ở Quốc Hội, họ thuộc khối dân cử đặc biệt quan tâm đến tự do tôn giáo — đặc biệt, Đại Sứ Brownback là đồng tác giả của Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được quốc hội thông qua năm 1998. Cả 3 giới chức cao cấp này đã góp phần nâng tự do tôn giáo lên hàng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hành Pháp Trump.
Qua các cựu đồng nghiệp này, nhóm dân biểu và thượng nghị sĩ quan tâm đến tự do tôn giáo quốc tế như Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey), TNS James Lankford (Cộng Hoà, Oklahoma), TNS Bill Cassidy (Cộng Hoà, Louisiana), TNS Marco Burio (Cộng Hoà, Florisa)… đã góp phần đáng kể trong việc hình thành chính sách đối ngoại của Hành Pháp Trump về mặt nhân quyền. Đổi lại, chính các vị dân biểu và thượng nghị sĩ này đã dùng thẩm quyền lập pháp để đề ra các đạo luật yểm trợ cho chính sách đối ngoại với trọng tâm phát huy tự do tôn giáo trên toàn thế giới.
Bước đột phá trong chính sách tự do tôn giáo
Hành Pháp Trump có một kế hoạch lớn nhằm dấy lên phong trào toàn thế giới bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo. Trong 18 tháng qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã bỏ nhiều công sức và đầu tư nhiều tài nguyên cho 4 nỗ lực song hành.
(1) Vận động các chính quyền “đồng minh” chung sức với Hoa Kỳ
Năm 1998, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế để nâng tự do tôn giáo thành một ưu tiên trong chính sách quốc gia về đối ngoại. Trong 20 năm sau đó, Hoa Kỳ đơn thương độc mã trên thế giới trong cuộc chiến bảo vệ tự do tôn giáo và do đó hiệu quả không cao. Sáng kiến của Hành Pháp Trump là vận động, thúc đẩy và thuyết phục các chính quyền khác nhập cuộc.
Để đạt mục tiêu này, tháng 7 năm 2018, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức Hội Nghị Cấp Bộ Trường Phát Huy Tự Do Tôn Giáo. Trên 80 chính quyền gửi giới chức cấp bộ trưởng, thứ trưởng hoặc vụ trưởng tham gia. Nhiều quốc gia cam kết sát cánh với Hoa Kỳ để phát huy tự do tôn giáo toàn cầu. Một số chính quyền thành lập chức vụ đại sứ đặc trách tự do tôn giáo, tương đương với chức vụ của Đại Sứ Lưu Động Brownback. Một số chính quyền cũng đã chủ động tổ chức hội nghị cấp vùng về tự do tôn giáo. Các chính quyền đàn áp tôn giáo như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên… không được mời.
Hội nghị cấp bộ trưởng lần 2 sẽ được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ triệu tập ngày 16-18 tháng 7 tới đây. Đến nay đã có trên 90 quốc gia đáp lời mời của Hoa Kỳ. Qua hội nghị này và hội nghị năm 2020, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cố gắng củng cố liên minh của các quốc gia đồng quan tâm đến tự do tôn giáo để tiếp tục sự nghiệp phát huy tự do tôn giáo dù dưới bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào trong tương lai.
(2) Hợp tác chặt chẽ với xã hội dân sự
Bộ Ngoại Giao của Hành Pháp Trump xem xã hội dân sự là yếu tố quan trọng hơn cả để bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo và đã hợp tác chặt chẽ chưa từng thấy với các mạng lưới XHDS đấu tranh cho tự do tôn giáo. Trong các chuyến công du, Đại Sứ Lưu Động Brownback đều dành thời gian để gặp gỡ các tổ chức XHDS tại địa phương. Toà đại sứ Hoa Kỳ ở các quốc gia đều được chỉ thị phải đặt trọng tâm vào tự do tôn giáo, phải huấn luyện toàn bộ nhân viên về chính sách của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, và phải hợp tác chặt chẽ với các tổ chức XHDS ở từng quốc gia.
Mô hình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là khuyến khích sự hình thành các “bàn tròn đa tôn giáo” ở cấp quốc gia và cấp vùng trên toàn thế giới. Các “bàn tròn đa tôn giáo” này quy tụ những nhân tố quan tâm đến tự do tôn giáo trong toàn xã hội để hợp tác trong các đề án chung, để hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau, cũng như để tiện đối tác hoặc hợp tác với các chính quyền và với LHQ. Với sự khuyến khích của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong hơn một năm qua khoảng 20 bàn tròn đa tôn giáo mới đã được hình thành ở nhiều quốc gia và khu vực. So với trước đó, từ năm 2010 đến 2017 chỉ có 3 bàn tròn đa tôn giáo hoạt động.
Sự quan tâm đến XHDS như một đối tác quan trọng được biểu hiện rõ ràng nhất tại Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng Phát Huy Tự Do Tôn Giáo năm 2018. Chương trình của hội nghị đã dành 2 ngày cho các giới chức cao cấp thuộc Hành Pháp tiếp xúc với 500 đại diện của các tổ chức quần chúng, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức nhân quyền đến từ hàng trăm quốc gia trên thế giới. Tại hội nghị năm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ con số được mời sẽ tăng gần gấp đôi.
Mục tiêu chiến lược của Hành Pháp Trump là hình thành mạng lưới toàn cầu những tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức nhân quyền để phối hợp các nỗ lực chung ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu để phát huy tự do tôn giáo.
(3) Vận động giới lập pháp trên thế giới
Muốn phát huy tự do tôn giáo ở một quốc gia thì quốc gia ấy phải có chính sách bảo vệ tự do tôn giáo. Các chính quyền đồng minh với Hoa Kỳ cũng chỉ có thể đóng góp tích cực nếu quốc gia họ có chính sách phát huy tự do tôn giáo quốc tế. Muốn thế thì phải có sự nhập cuộc của giới lập pháp ở các quốc gia này. Yếu tố thứ 3 trong chính sách của Hành Pháp Trump nhằm phát huy tự do tôn giáo quốc tế là tương tác với các nghị sĩ quan tâm đến tự do tôn giáo và khuyến khích họ cải tổ luật và chính sách đối với tôn giáo tại quốc gia của họ. Hiện nay có 2 tổ chức của các nghị sĩ như vậy.
Năm 2014, khoảng 30 nghị sĩ Âu Châu họp tại Oslo, Na Uy, để hình thành mạng lưới các nghị sĩ đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo, lấy tên là International Parliamentarian Panel for Freedom of Religion or Belief (IPPFORB). Sau 5 năm hoạt động mạng lưới này đã tăng lên gấp 10 lần, với gần 300 nghị sĩ ở 97 quốc gia. Song song, năm 2013 một số nghị sĩ ở các quốc gia Đông Nam Á hình thành tổ chức Các Nghị Sĩ ASEAN vì Nhân Quyền (ASEAN Parliamentarians for Huma Rights); năm 2018 tổ chức này lập tổ công tác về tự do tôn giáo. Hai quốc gia trọng tâm của tổ công tác này là Miến Điện và Việt Nam. Một số thành viên của APHR cũng đã tham gia IPPFORB.
Trong 2 năm qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày càng đối tác chặt chẽ hơn với 2 tổ chức này, mà thành viên được mời tham gia Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng Phát Huy Tự Do Tôn Giáo năm 2018 và năm 2019.
(4) Vận động Liên Hiệp Quốc
Tuy Hành Pháp Trump bất hợp tác với LHQ trong một số lĩnh vực, riêng trong lĩnh vực quyền tự do tôn giáo thì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại tương tác chặt chẽ với những định chế liên quan của LHQ.
Cuộc bỏ phiếu của Đại Hội Đồng LHQ mới đây để thông qua nghị quyết lấy ngày 22 tháng 8 hàng năm làm Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm các Nạn Nhân của Bạo Lực vì Lý Do Tôn Giáo hay Niềm Tin là một minh chứng. Hoa Kỳ đã khởi xướng nghị quyết này và vận động mạnh mẽ cho việc bỏ phiếu thông qua. Nghị quyết này có tác dụng đối với mọi quốc gia thành viên của LHQ, kể cả những quốc gia đang có chính sách đàn áp tự do tôn giáo.
Từ nay, ngày 22 tháng 8 sẽ là cơ hội để mọi thành phần quan tâm đến tự do tôn giáo phối hợp hành động với nhau cho các sinh hoạt tưởng niệm ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Chiến lược toàn cầu toàn diện
Trên đây là 4 thành tố chính trong chiến lược toàn diện của Hành Pháp Trump để xây dựng phong trào bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Đó là:
(1) Các chính quyền quan tâm đến tự do tôn giáo tạo thành thế liên minh toàn cầu ngày càng bền vững và lan toả.
(2) Các bàn tròn đa tôn giáo ngày càng đông và càng liên kết chằng chịt, hỗ trợ nhau và hợp tác với nhau ở các cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
(3) Các nghị sĩ ở mỗi quốc gia dùng quyền lập pháp để bổ sung luật quốc gia với các điều khoản mạnh mẽ về bảo vệ và phát huy quyền tự do tôn giáo ở quốc gia mình và trên thế giới.
(4) Các định chế nhân quyền của LHQ ngày càng chú tâm hơn đến quyền tự do tôn giáo.
So sánh với các Hành Pháp Hoa Kỳ trước
Trong 4 đời tổng thống Hoa Kỳ gần đây nhất, Hành Pháp Clinton có thành tích tệ nhất về nhân quyền. Ngay khi nhậm chức, Tổng Thống Clinton chủ trương hoàn toàn tách nhân quyền ra khỏi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đặc biệt đối với Trung Quốc. Quyết định này đã làm cho giới đấu tranh nhân quyền ở Hoa Kỳ và trên thế giới bị chới với. Năm 1998, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế là để phần nào điều chỉnh chính sách đối ngoại của Hành Pháp Clinton ít ra trong lĩnh vực tự do tôn giáo.
Tổng Thống Bush (con) cũng không có gì nổi bật về nhân quyền, một phần vì ưu tiên của Hành Pháp Bush là chống khủng bố sau sự kiện 9/11. Mặt khác, Tổng Thống Bush còn tin rằng có thể dùng kinh tế để chuyẻn hoá các chế độ độc tài. Do đó, Hành Pháp Bush đã ủng hộ cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế năm 2002 và Việt Nam năm 2007. Đây là một sai lầm chiến lược.
Sau 16 năm nhân quyền bị lơ là trong chính sách đối ngoại, Hành Pháp Obama đem lại một luồng gió mới khi quan tâm đến quyền lao động. Điều này thể hiện qua nỗ lực chống nạn buôn người và đưa điều kiện quyền lao động vào Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các công đoàn lao dộng ở Hoa Kỳ đã đóng vai trò trụ cột trong cuộc tranh cử vào Toà Bạch Ốc của ứng cử viên Barack Obama và đa phần các nghị sĩ cùng Đảng Dân Chủ quan tâm đến quyền của người lao động. Đó là lý do BPSOS đã tập trung nhiều vào 2 lĩnh vực quyền lao động và chống buôn người trong 8 năm của Hành Pháp Obama, bên cạnh các trọng tâm tự do tôn giáo và chống tra tấn.
Những việc phải làm trong 18 tháng tới
Hành Pháp Trump còn 18 tháng để hoàn tất kế hoạch phát động phong trào toàn thế giới vì tự do tôn giáo — không ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra sau cuộc tổng tuyển cử năm 2020 ở Hoa Kỳ. Thành phần XHDS quan tâm đến tự do tôn giáo do đó phải tận khai thác thời gian 18 tháng tới đây để vừa khai thác những cơ hội sẽ mở ra, vừa góp phần hình thành và củng cố phong trào để nó tiếp tục vững tiến và lan rộng bất luận sự thay đổi sau năm 2020.
Người Việt ở trong và ngoài nước, đặc biệt là các cộng đồng tôn giáo, cần dốc sức khai thác thời điểm thuận lợi hiện nay và 18 tháng nữa để phát huy khả năng tự vệ, điều động quần chúng, liên kết toàn xã hội và nối kết với quốc tế. Các yếu tố thuận lợi hiện nay bao gồm: sự yểm trợ của chính quyền Hoa Kỳ và ngày càng nhiều chính quyền của các quốc gia đồng minh; sự hoà nhập vào một phong trào quốc tế đang mỗi ngày một lan rộng; và sự quan tâm nổi bật của LHQ. Sau đây là một số việc mà các cộng đồng tôn giáo, các tổ chức xã hội dân sự của người Việt ở trong và ngoài Việt Nam có thể và cần làm.
(1) Tận khai thác ngày 22 tháng 8 hàng năm để đồng loạt cử hành các hành sinh hoạt tưởng niệm và vinh danh các nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo. Các sinh hoạt tưởng niệm và vinh danh này là cơ hội để các cộng đồng, các tôn giáo, các tổ chức XHDS nâng dần khả năng điều động quần chúng và phối hợp toàn xã hội.
(2) Tham gia bàn tròn đa tôn giáo có sẵn hoặc hình thành các bàn tròn đa tôn giáo mới ở Việt Nam nhằm tạo sự kết nối toàn xã hội, đối tác với chính quyền sở tại, và hợp tác với quốc tế.
(3) Cử người tham gia các hội nghị về tự do tôn giáo quốc tế, bao gồm hội nghị cấp bộ trưởng do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ triệu tập và các hội nghị khu vực được tổ chức quanh năm tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Đấy là các diễn đàn để nâng sự quan tâm quốc tế về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Đấy cũng là cơ hội để chúng ta đối tác với các chính quyền quốc tế và tham gia các phong trào khu vực và toàn cầu.
(4) Đào sâu kiến thức về tự do tôn giáo, học cách báo cáo mọi vi phạm tự do tôn giáo mỗi khi xảy ra, và học cách ứng dụng luật quốc tế và luật Việt Nam để bảo vệ và phát huy quyền tự do tôn giáo hay niềm tin.
Chúng tôi sẽ có loạt bài hướng dẫn về 4 việc cần làm kể trên.
Nếu người Việt ở trong và ngoài nước biết tận khai thác cơ hội trong 18 tháng tới đây, sự phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam sẽ tiến một bước dài, đặt nền tảng vững chắc cho những thay đổi lớn lao trong tương lai.
Một cựu nạn nhân buôn người ở Ả Rập Xê Út đã đến Hoa Kỳ
Chị H Thái Ayun sang Ả Rập Xê Út theo chương trình xuất khẩu lao động từ 2018 và trở thành nạn nhân buôn người của chương trình này. Chị đã lên tiếng rồi tiếp tay thu thập bằng chứng để vạch mặt những kẻ buôn người Việt Nam ở Ả Rập Xê Út…
Việt Nam tự trói chân mình khi giải trình với Liên Hiệp Quốc
Trên trang của Văn Phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền (OHCHR) đã cho phát hành một văn bản được biên soạn bởi chính quyền Việt Nam ngày 8 tháng 11 năm 2024 mang ký hiệu 180/VNM.24. Đây là bản giải trình của chính quyền Việt Nam trước tài liệu cáo buộc AL VNM 4/2024 của nhóm báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phát hành ngày 14 tháng 6 năm 2024….