Khai thác các biện pháp chế tài lên các giới chức Việt Nam vi phạm nhân quyềnVận động 2 dự luật nhân quyền cho Việt NamĐòi bồi thường tài sản mà Việt Nam đã tịch thu của công dân Mỹ.
BPSOS, ngày 28 tháng 5, 2019
Chúng tôi kêu gọi Quý Đồng Hương ở khắp Hoa Kỳ hãy cùng về Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn trong 2 ngày 10 và 11 tháng 7 để vận động nhân quyền và dân chủ cho 96 triệu đồng bào của chúng ta ở Việt Nam. Trong 2 ngày tổng vận động, các người tham gia sẽ chia thành nhiều phái đoàn để tiếp xúc các vị dân biểu và thượng nghị sĩ đại diện cho mình ở Quốc Hội. Với vị thế cử tri, chúng ta có tiếng nói ảnh hưởng lên các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Xin Quý Đồng Hương hưởng ứng và ghi danh tham gia tại: www.cfdvn.org hoặc liên lạc với Ông Tuấn tại tuanq.nguyen@bpsos.org.
Đây là năm thứ 8 BPSOS tổ chức Ngày Vận Động Cho Việt Nam. Các cuộc tổng vận động hàng năm trước đây đã đạt nhiều thành quả, từ can thiệp thành công cho một số tù nhân lương tâm, chặn đứng một số vụ cưỡng chiếm đất đai của các giáo xứ Công Giáo, đẩy lùi các vi phạm nhân quyền của Chi Phái Cao Đài 1997 do Đảng Cộng Sản dựng lên… Đặc biệt, các cuộc tổng vận động gần đây đã góp phần cho việc thông qua 2 đạo luật quan trọng: Luật Magnitsky Toàn Cầu và Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank R Wolf vào cuối năm 2016.
Cuộc tổng vận động năm nay gồm có 3 trọng tâm chính.
Chế tài các thủ phạm đàn áp tôn giáo
Chúng ta sẽ khai thác một biện pháp chế tài được mở ra bởi Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank R Wolf năm 2016. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ cấm nhập cảnh vĩnh viễn các giới chức chính quyền ngoại quốc đã vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng. Biện pháp này đã có từ 21 năm nay nhưng hầu như chưa được áp dụng.
Luật kể trên đòi hỏi Bộ Ngoại Giao từ nay hàng năm phải báo cáo Quốc Hội tiến triển của việc thực thi biện pháp chế tài này. Tuân thủ đòi hỏi này của Quốc Hội, đầu năm 2019 Bộ Ngoại Giao thiết kế xong hệ thống điện toán để đón nhận các thông tin về vi phạm tự do tôn giáo và theo dõi các giới chức chính quyền liên can. Dựa vào hệ thống này, Bộ Ngoại Giao sẽ mỗi năm 2 lần tường trình Quốc Hội về các quốc gia và số giới chức ở mỗi quốc gia bị áp dụng biện pháp chế tài.
Chúng tôi sẽ soạn sẵn danh sách các giới chức Việt Nam để mỗi phái đoàn tham gia cuộc tổng vận động yêu cầu các vị dân cử chuyển cho Bộ Ngoại Giao. Càng nhiều phái đoàn tham gia thì chúng ta càng có cơ hội tiếp cận càng nhiều vị dân cử liên bang.
Vận động cho 2 dự luật riêng cho Việt Nam
Tháng 2 năm nay, Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) đưa vào Hạ Viện Hoa Kỳ dự luật Nhân Quyền Việt Nam (H.R. 1383), đòi hỏi Bộ Ngoại Giao hàng năm báo cáo chi tiết về các giới chức chính quyền Việt Nam đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và về các biện pháp chế tài đã hoặc sẽ áp dụng đối với họ. Nói cách khác, dự luật này thúc đẩy Bộ Ngoại Giao áp dụng các biện pháp chế tài có sẵn lên Việt Nam, trong đó có biện pháp chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu và biện pháp chế tài theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank R Wolf. Ngoài ra, dự luật này còn nhiều điều khoản về tự do internet, tự do tôn giáo, quyền của người sắc tộc, quyền phụ nữ và trẻ em… Chúng tôi sẽ có bài viết riêng để phân tích dự luật này.
Sang tháng 5, Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Cộng Hoà, Texas) đưa vào Thượng Viện dự luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền Việt Nam (S. 1369). Dự luật này đề ra các biện pháp chế tài tương tự như Luật Magnitsky Toàn Cầu nhưng áp dụng riêng cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ có bài viết riêng để phân tích dự luật này.
Các phái đoàn tham gia sẽ cùng nhau vận động các vị dân cử của mình ủng hộ 2 dự luật này và sớm thông qua cả 2 dự luật nơi viện mà chúng được đưa vào. Như vậy, chúng ta sẽ có đủ thời gian để vận động cho mỗi dự luật ở viện còn lại của lưỡng viện Quốc Hội.
Đòi bồi thường tài sản
Theo luật, chính phủ Hoa Kỳ có nghĩa vụ can thiệp để đòi một chính quyền ngoại bang bồi thường cho các tài sản đã tịch thu của công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, luật này chỉ áp dụng lên các quốc gia nào thuộc danh sách do Quốc Hội chỉ định. Nhiều cộng đồng sắc dân ở Hoa Kỳ đã vận động thành công để khai thác luật này, như cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, người Mỹ gốc Ba Lan… Dự luật Nhân Quyền Việt Nam của DB Chris Smith có điều khoản khuyến khích áp dụng luật này lên Việt Nam.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, số người Mỹ gốc Việt bị ảnh hưởng có thể lên đến vài chục nghìn, nhiều hơn hẳn các sắc dân đã được Quốc Hội Hoa Kỳ can thiệp. Hiện nay BPSOS đã thu thập gần 700 hồ sơ của người Mỹ gốc Việt.
Chúng tôi kêu gọi những ai có hồ sơ hãy tham gia cuộc tổng vận động năm nay để kêu gọi sự ủng hộ của các vị dân cử đại diện cho mình. Các cộng đồng sắc dân khác đã làm được thì chúng ta cũng sẽ làm được.
Các mục tiêu khác
Ngoài 3 trọng tâm kể trên, cuộc tổng vận động năm nay còn có các mục tiêu là:
Kêu gọi các vị dân cử “kết nghĩa” với các tù nhân lương tâm ở Việt NamKêu gọi Quốc Hội duy trì hoạt động của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc TếVận động đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC)
Kết luận
Chúng tôi thiết tha kêu gọi Quý Đồng Hương sử dụng vị thế công dân của mình để ảnh hưởng chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Không gì hiệu quả bằng chính các cử tri tiếp xúc trực tiếp với các dân biểu và thượng nghị sĩ đại diện mình ngay tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Xin ghi danh tham gia tại: www.cfdvn.org hoặc liên lạc Ông Tuấn: tuanq.nguyen@bpsos.org.
Ban tổ chức sẽ cung cấp các hướng dẫn cần thiết về vận chuyển và địa điểm trú ngụ.
MSFJ và Kế hoạch vận động đưa Việt Nam vào lại CPC
“Chính quyền Việt Nam đã đàn áp quyền tự do tôn giáo của các sắc dân bản địa người Thượng chúng tôi suốt từ năm 1975 đến nay bằng mọi hình thức và mọi thủ đoạn mang tính hệ thống. Sự kiện trầm trọng nhất là họ đã vận động ngoại giao để chính quyền Thái Lan bắt và đang trong kế hoạch giao trả cho họ ông Y Quỳnh Bdap – một thành viên sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) của chúng tôi. Đây là bước đi trong kế hoạch nhằm triệt phá bằng được phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người Thượng bản địa ở Tây Nguyên. Chúng tôi không chấp nhận thua cuộc. Vì vậy, chúng tôi đã và đang thực hiện một kế hoạch để họ phải trả giá. Một trong những mốc điểm mà chúng tôi đặt ra là họ phải bị nêu tên trong danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (Countries of Particular Concern – CPC) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cuối năm nay hoặc năm sau.” Trên đây là lời phát biểu nhấn mạnh song song của ông Y Phic Hdok và ông Quan Van Dau…
Vụ cận vệ chủ tịch nước lạm dụng tình dục ở Chi-lê: Quan thì được nhưng Dân thì không
Dư luận người Việt và Chile rất bất bình khi hay tin một cận vệ của Chủ Tịch Nước Việt Nam đã phạm tội lạm dụng tình dục tại Chile khi phái đoàn tới thăm nước này. Người cận vệ này có tên là Lại Đắc Tuấn, 59 tuổi hiện đang giữ chức vụ Phó Phòng Hậu Cần Bộ Tư Lệnh Cảnh Vệ thuộc Bộ Công An…