Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 30 tháng 5, 2019
Luật PL 93-559 và Hiệp Định Paris
Những ngày gần đây trên không gian mạng có nhiều bàn tán về Luật PL 93-559 và cơ hội tái hợp Hiệp Định Paris. Cách đây vài tháng tôi đã trả lời bằng email khi có người hỏi về đề tài này: “Khi Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật thì trong nội dung thường có thêm phần ‘quan điểm của Quốc Hội’ (Sense of Congress). Phần này không mang tính ràng buộc mà chỉ bày tỏ ý kiến hay khuyến cáo.”
Đoạn 34 của luật này gồm 2 điểm (a) và (b), cùng bắt đầu với cụm từ “Congress finds that”, nghĩa là “Quốc Hội xét thấy rằng”. Đây là thuật ngữ báo hiệu quan điểm của Quốc Hội. Điểm (b) nhắc đến Hiệp Định Paris. Đại ý, Quốc Hội xét thấy cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt ở Nam Việt Nam và Campuchia không lợi ích cho các bên liên quan và cho nền hoà bình ở Đông Dương và trên thế giới; để giảm bớt nỗi thống khổ cho người dân Đông Dương và đem lại nền hoà bình thực sự tại khu vực này, Quốc Hội hối thúc và yêu cầu Tổng Thống và Ngoại Trưởng thực hiện 5 điều. Điều thứ 5 là tái triệu tập Hiệp Định Paris nhằm bảo đảm việc thực thi đầy đủ. “Hối thúc và yêu cầu” (urges and requests) mang tính khuyến cáo, chứ không ràng buộc. Xem nguyên bản:
https://www.govinfo.gov/content/pkg/STATUTE-88/pdf/STATUTE-88-Pg1795.pdf
Để so sánh, chúng ta hãy xem Đoạn 3 của cùng đạo luật. Đoạn 3 này cũng có 2 điểm. Điểm (a) khẳng định là cho năm 1975 Hành Pháp không được phép dùng ngân sách ngoại viện để cung cấp phân bón nông nghiệp cho Nam Việt Nam. Điểm (b) khẳng định rằng cho những năm sau đó, Hành Pháp không được chi cho Nam Việt Nam quá 1/3 tổng ngân sách về viện trợ phân bón nông nghiệp cho các quốc gia trên thế giới. Đây là ngôn ngữ mang tính ràng buộc của luật pháp.
Ở đây tôi không bàn đến việc nên hoặc không nên tái hợp Hiệp Định Paris và cũng không thẩm định triển vọng tái hợp cao hay thấp mà chỉ giải thích rằng PL 93-559 không cung cấp căn bản pháp lý cho việc tái hợp ấy.
“Uỷ quyền” hay “thẩm quyền”?
Cách đây khoảng một năm tôi thấy một số bản tin dịch đạo luật National Defense Authorization Act (NDAA) là “luật uỷ quyền quốc phòng” hoặc “luật thẩm quyền quốc phòng”. Dưới đây là 2 ví dụ, một là bài báo ở trong nước và một là bản tin của đài VOA:
http://kinhtedothi.vn/thuong-vien-my-thong-qua-du-luat-ngan-sach-quoc-phong-700-ty-usd-298470.html
https://www.voatiengviet.com/a/du-luat-ngan-sach-quoc-phong-my-nham-muc-tieu-nga-trung-/4378457.html
Đúng ra chữ “authorization” phải dịch là “chuẩn chi”.
Tiến trình làm luật ngân sách ở Quốc Hội Hoa Kỳ gồm 2 giai đoạn: chuẩn chi (authorization) và phân bổ (appropriation). Chẳng hạn, Uỷ Ban Quốc Phòng của Hạ Viện chuẩn chi ngân sách quốc phòng, nghĩa là ấn định mức ngân sách cho mỗi hoạt động quốc phòng. Qua đó, uỷ ban này quyết định chính sách quốc phòng.
Chuẩn chi rồi, nhưng lấy đâu ra tiền? Trả lời câu hỏi này là trách nhiệm của Uỷ Ban Phân Bổ Ngân Sách (Appropriations Committee) ở Hạ Viện và ở Thượng Viện. Họ phải cắt chỗ này, xén chỗ kia cho vừa đủ với quỹ quốc gia, gọi là phân bổ ngân sách.
Tóm lại, “authorization” nghĩa là cho phép chi, hoặc chuẩn chi.
Mã số của văn bản lập pháp
Một dự thảo luật xuất phát từ Hạ Viện có mã số khởi đầu với “H.R.”, viết tắt của House of Representatives. Chẳng hạn, dự thảo luật Nhân Quyền Việt Nam do Dân Biểu Christopher Smith đưa vào Hạ Viện tháng 2 vừa rồi mang mã số H.R. 1383 — “1383” là số thứ tự.
Nếu dự thảo luật xuất phát từ Thượng Viện, nó sẽ mang mã số khởi đầu với “S.”, viết tắt của Senate. Một ví dụ là dự thảo luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền Việt Nam mang số S. 1369 do TNS John Cornyn đưa vào Thượng Viện đầu tháng 5 vừa rồi.
Người ta hay lẫn lộn “H.R.” với “H.Res.”, viết tắt của House Resolution, nghĩa là Nghị Quyết của Hạ Viện. Tương tự, nghị quyết của Thượng Viện được ký hiệu là “S.Res.”, viết tắt từ chữ Senate Resolution. Nghị quyết là văn bản lập pháp thể hiện quan điểm của riêng Hạ Viện hoặc riêng Thượng Viện, tương tự như phần “Sense of Congress” đã giải thích ở trên. Nó không mang tính ràng buộc của luật pháp.
Thế nhưng một Joint Resolution, tức Nghị Quyết Chung của Hạ Viện và Thượng Viện, lại mang tính ràng buộc của luật pháp. Thế mới dễ lẫn lộn. Nếu xuất phát từ Hạ Viện thì một Nghị Quyết Chung được ký hiệu là “H.J.Res.”, hoặc “S.J.Res.” nếu xuất phát từ Thượng Viện. Cũng có lúc được viết tắt là HJ và SJ.
S.J.Res. 168 là một ví dụ quen thuộc đối với người Việt vì nó công bố ngày 11 tháng 5 năm 1994 là Ngày Nhân Quyền Việt Nam. Đây là một đạo luật. Ghi chú: Đạo luật này ấn định Ngày Nhân Quyền Việt Nam là ngày 11 tháng 5 năm 1994, chứ không phải ngày này mỗi năm.
Kết luận
Tóm lại, tôi hy vọng bài này giúp chúng ta hiểu rằng:
(1) Luật PL 93-559, phần nói đến việc tái triệu tập Hiệp Định Paris, chỉ nêu quan điểm của Quốc Hội Khoá 93 chứ không có giá trị luật pháp ràng buộc.
(2) “Authorization” là “chuẩn chi” chứ không phải “uỷ quyền” hay “thẩm quyền”.
(3) Mã số của mỗi văn bản lập pháp nói lên xuất xứ, bản chất và công dụng của nó.
MSFJ và Kế hoạch vận động đưa Việt Nam vào lại CPC
“Chính quyền Việt Nam đã đàn áp quyền tự do tôn giáo của các sắc dân bản địa người Thượng chúng tôi suốt từ năm 1975 đến nay bằng mọi hình thức và mọi thủ đoạn mang tính hệ thống. Sự kiện trầm trọng nhất là họ đã vận động ngoại giao để chính quyền Thái Lan bắt và đang trong kế hoạch giao trả cho họ ông Y Quỳnh Bdap – một thành viên sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) của chúng tôi. Đây là bước đi trong kế hoạch nhằm triệt phá bằng được phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người Thượng bản địa ở Tây Nguyên. Chúng tôi không chấp nhận thua cuộc. Vì vậy, chúng tôi đã và đang thực hiện một kế hoạch để họ phải trả giá. Một trong những mốc điểm mà chúng tôi đặt ra là họ phải bị nêu tên trong danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (Countries of Particular Concern – CPC) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cuối năm nay hoặc năm sau.” Trên đây là lời phát biểu nhấn mạnh song song của ông Y Phic Hdok và ông Quan Van Dau…
Vụ cận vệ chủ tịch nước lạm dụng tình dục ở Chi-lê: Quan thì được nhưng Dân thì không
Dư luận người Việt và Chile rất bất bình khi hay tin một cận vệ của Chủ Tịch Nước Việt Nam đã phạm tội lạm dụng tình dục tại Chile khi phái đoàn tới thăm nước này. Người cận vệ này có tên là Lại Đắc Tuấn, 59 tuổi hiện đang giữ chức vụ Phó Phòng Hậu Cần Bộ Tư Lệnh Cảnh Vệ thuộc Bộ Công An…