Hôm 22/1/2019, Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva đã tiến hành phiên họp Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát về nhân quyền (UPR) lần thứ ba đối với quốc gia Việt Nam sau 4.5 năm.
Tại phiên họp kéo dài trong 3.5 giờ, có đến 125 quốc gia phát biểu đánh giá về tình hình nhân quyền Việt Nam, với gần 300 khuyến nghị cải thiện nhân quyền được các quốc gia đưa ra cho chính phủ Việt Nam.
Dự kiến vào ngày 31/1 tới, Nhóm công tác UPR của Hội đồng Nhân quyền sẽ thông qua văn bản báo cáo chính thức về phiên họp kiểm điểm nhân quyền của Việt Nam, trong đó ghi nhận lại tất cả các nội dung chất vấn và sự quan ngại đến từ các quốc gia, cũng như sự hồi đáp và các cam kết từ phía Việt Nam, và đặc biệt là ghi nhận lại đầy đủ tất cả các khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Việt Nam sẽ phải trả lời về các khuyến nghị này trong phiên nhóm họp kế tiếp của Hội đồng Nhân quyền dự kiến diễn ra vào tháng 7/2019. Đây là phiên họp báo cáo kết quả đầu ra UPR của Việt Nam. Khi đó chính phủ Việt Nam sẽ chính thức cho biết họ đồng ý chấp nhận (Accepted) khuyến nghị nào và từ chối (Noted) những khuyến nghị nào. Đối với những khuyến nghị chấp nhận, Việt Nam phải có nghĩa vụ triển khai thực hiện các khuyến nghị ấy. Đối với các khuyến nghị bị từ chối, từ nội dung của khuyến nghị ấy chúng ta có thể đánh giá được thái độ và chính sách tiêu cực của chính phủ trong lĩnh vực nhân quyền đó.
Nhằm hỗ trợ những người quan tâm có thể hiểu biết và sử dụng các khuyến nghị dùng để vận động và giám sát thực thi kết quả UPR trong thời gian tới, chúng tôi xin giải thích về một số nhóm khuyến nghị cơ bản mà Việt Nam nhận được liên quan đến cơ chế và thủ tục nhân quyền của LHQ.
- Khuyến nghị thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia (CQNQQG) theo Nguyên tắc Paris.
Đây là nội dung khuyến nghị mà Việt Nam nhận được liên tục trong suốt ba kỳ UPR đã qua. Kỳ đầu tiên vào năm 2009, Việt Nam từ chối tất cả các khuyến nghị có nội dung liên quan đến việc thành lập CQNQQG. Đến kỳ thứ hai vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận một khuyến nghị “cân nhắc” thành lập CQNQQG nhưng từ chối tất cả các khuyến nghị thành lập CQNQQG theo “Nguyên tắc Paris”. Đến kỳ thứ ba 2019, trả lời vấn đề này trong phiên điều trần vừa qua, đại diện phái đoàn chính phủ Việt Nam cho biết “sẽ xem xét thành lập vào một thời điểm phù hợp với tình hình và điều kiện tại Việt Nam”.
Tiến trình thay đổi quan điểm về CQNQQG qua ba kỳ UPR cho thấy, giờ đây chính phủ Việt Nam đã chấp nhận các nguyên tắc chung trong việc tạo ra một cơ chế quốc gia nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền thông qua việc thành lập CQNQQ, nhưng vẫn chưa chấp nhận tiêu chí chuẩn mực được nêu trong Nguyên tắc Paris về hướng dẫn thành lập CQNQQG.
CQNQQG, một cách dễ hiểu là một cơ quan chuyên trách giám sát độc lập về lĩnh vực nhân quyền ở quốc gia đó. Cơ quan này đóng vai trò phát hiện, xử lý hoặc đề nghị giới chức xử lý các hành vi vi phạm nhân quyền, và đưa ra các tham vấn cho nhà nước thực thi hiệu quả chính sách và pháp luật nhằm đảm bảo phát huy nhân quyền. CQNQQG đã được thành lập ở nhiều quốc gia trên thế giới, dưới nhiều tên gọi khác nhau như Ombudsman, Ủy ban Nhân quyền hay Trung tâm Nhân quyền… Chức năng và thẩm quyền của cơ quan này được quy định bởi luật pháp quốc gia, nhưng để CQNQQG hoạt động hiệu quả thì khi thành lập cần phải tuân thủ theo Nguyên tắc Paris hướng dẫn về CQNQQG.
Theo đó, Nguyên tắc Paris hướng dẫn về việc thành lập CQNQQG phải đáp ứng được tiêu chí đầu tiên là tính “độc lập”. Vị thế độc lập của CQNQQG thể hiện nó không thuộc nhánh quyền lực nào của nhà nước, cũng không phải là một tổ chức xã hội dân sự, mà nó có vị thế như là một “cầu nối” giữa nhà nước và xã hội dân sự.
Với vị thế độc lập được nêu trong Nguyên tắc Paris về CQNQQG, rõ ràng chính phủ Việt Nam sẽ khó chấp nhận và tuân thủ bởi vì hệ thống chính trị Việt Nam được thiết lập và vận hành dựa trên nguyên tắc “thống nhất quyền lực nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Qua đây có thể nói lỗi từ hệ thống chính trị hiện hành đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng một cơ quan quốc gia độc lập chuyên trách về nhân quyền.
Nếu CQNQQG được thành lập tại Việt Nam trong thời gian tới mà không đảm bảo được sự độc lập theo hướng dẫn của Nguyên tắc Paris, thì nó cũng chỉ là một tổ chức trá hình, khi đi vào hoạt động cũng sẽ trở thành một tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội như là cánh tay nối dài của đảng và nhà nước, và từ đó cũng chỉ làm trò cười trước các diễn đàn nhân quyền quốc tế mà thôi.
- Hợp tác với Thủ tục đặc biệt
Tại phiên kiểm điểm vừa qua, nhiều quốc gia đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền.
Sự hợp tác của quốc gia với Thủ tục đặc biệt được thể hiện qua 3 hoạt động chính: (1) Đưa ra lời mời để các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc có thể thực hiện chuyến thăm quốc gia nhằm đánh giá tình hình nhân quyền theo chủ đề tại quốc gia đó; (2) Phản hồi tích cực các kháng thư khiếu nại về nhân quyền mà Báo cáo viên đặc biệt chuyển đến nhà nước; và (3) Thực hiện các khuyến nghị về cải thiện nhân quyền do Báo cáo viên Đặc biệt đưa ra.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, thái độ của chính phủ Việt Nam đối với Thủ tục đặc biệt là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Một mặt Việt Nam mời Báo cáo viên Đặc biệt sang Việt Nam đánh giá tình hình do sức ép của cộng đồng quốc tế, nhưng mặt khác lại lên án các Báo cáo viên Đặc biệt đưa ra báo cáo đánh giá sai lệch, đầy định kiến về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và Việt Nam thường không chấp nhận bản báo cáo đó. Sự xung đột này thể hiện rõ qua chuyến thăm Việt Nam gần đây của Báo cáo viên đặc biệt về Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng vào năm 2014.
Từ sự nghi ngại của giới chức Việt Nam, khuyến nghị của chuyên gia nhân quyền LHQ đã không được phía Việt Nam triển khai thực thi một cách nghiêm túc và đầy đủ. Bên cạnh đó, chính phủ cũng bỏ ngoài tai các kháng thư khiếu nại vi phạm nhân quyền, đặc biệt là các kháng thư của Nhóm Công tác Giam giữ Tùy tiện LHQ kết luận rằng việc bắt giữ và bỏ tù những người bất đồng chính kiến hay những người hoạt động nhân quyền trong suốt thời gian qua là vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền quốc tế.
Với các khuyến nghị tăng cường hợp tác với thủ tục đặc biệt được nhiều quốc gia đưa ra ở phiên kiểm điểm UPR, rõ ràng cộng đồng quốc tế đánh giá được chính phủ Việt Nam vẫn còn mang nặng tâm lý đối phó, cảnh giác, thay cho tinh thần cầu thị đối với các chuyên gia nhân quyền LHQ. Khước từ các khuyến nghị hay sự tư vấn của các chuyên gia nhân quyền LHQ là ngăn chặn những nỗ lực trong việc đảm bảo và phát huy nhân quyền tại quốc gia. Các khuyến nghị này cũng chính là lời thúc ép nhà nước Việt Nam cần phải tôn trọng các chuyên gia nhân quyền LHQ trong tư cách là một thành viên của tổ chức này.
- Phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của Công ước
Tại kỳ UPR lần trước Việt Nam từ chối tất cả các khuyến nghị về việc “phê chuẩn các Nghị định thư bổ sung” theo Công ước nhân quyền. Tất cả 9 Công ước nhân quyền cơ bản của LHQ đều kèm theo các Nghị định thư bổ sung. Các Nghị định thư bổ sung của Công ước ra đời thường là quy định về một vấn đề cụ thể, mà vấn đề này có thể dẫn đến sự thiếu đồng thuận hay gây ra tranh cãi giữa các quốc gia. Do đó nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia có đồng thuận khi phê chuẩn một Công ước, những vấn đề có thể gây ra tranh cãi hoặc bất đồng sẽ được tách riêng ra thành một quy định riêng ở một văn kiện khác dưới tên gọi Nghị định thư bổ sung cho Công ước.
Chẳng hạn trong quá trình xây dựng Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (CCPR), tinh thần chung của Tiểu ban xây dựng dự thảo công ước này là muốn đưa quy định bắt buộc xóa bỏ án tử hình vào trong Công ước CCPR. Nếu đưa quy định bắt buộc xóa bỏ án tử hình vào Công ước CCPR thì có thể làm hạn chế các quốc gia phê chuẩn trở thành thành viên của Công ước CCPR, vì xóa bỏ án tử hình là vấn đề còn gây ra nhiều tranh cãi, bất đồng giữa các quốc gia. Do đó, nhằm tạo điều kiện cho nhiều quốc gia tham gia phê chuẩn Công ước CCPR, quy định buộc xóa bỏ án tử hình được tách riêng ra thành một văn kiện pháp lý khác, được gọi là Nghị định thư bổ sung thứ hai của Công ước CCPR về Xóa bỏ án tử hình. Các quốc gia khi tham gia trở thành thành viên của Công ước CCPR có quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn Nghị định thư bổ sung này, vì nó là không bắt buộc. Tuy nhiên khi đã phê chuẩn Nghị định thư thứ hai của Công ước CCPR về Xóa bỏ án tử hình thì quốc gia đó có nghĩa vụ buộc phải xóa bỏ án tử hình tại quốc gia mình.
Các Nghị định thư bổ sung sẽ quy định về các vấn đề khác nhau tùy thuộc vào Công ước. Chẳng hạn Nghị định thư bổ sung của Công ước Chống tra tấn quy định về thẩm quyền thị sát điều tra của Tiểu ban phòng chống tra tấn LHQ, hay Nghị định thư bổ sung thứ nhất của Công ước CCPR quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Ủy ban Nhân quyền khi họ nhận được đơn khiếu nại vi phạm nhân quyền đến từ công dân của các quốc gia đã phê chuẩn Nghị định thư này.
Có thể nói việc phê chuẩn các Nghị định thư này là rất “nhạy cảm” đối với chính phủ Việt Nam, vì nó sẽ tạo cơ sở pháp lý cho nạn nhân bị vi phạm nhân quyền tại Việt Nam có thể gửi đơn khiếu nại, cung cấp thông tin vi phạm nhân quyền đến các Ủy ban giám sát Công ước. Chính phủ luôn xem các cáo buộc vi phạm nhân quyền được gửi ra các cơ quan quốc tế là sự xuyên tạc, bôi xấu nhà nước Việt Nam. Chính phủ Việt Nam khi từ chối phê chuẩn các Nghị định thư công nhận thẩm quyền giải quyết khiếu nại của các Ủy ban giám sát Công ước thường đưa ra lý do: (1) Người bị vi phạm nhân quyền có thể sử dụng đến hệ thống hành chính và tư pháp ở Việt Nam để được giải quyết, hay (2) Việt nam có thẩm quyền tài phán của mình để xử lý các khiếu nại này. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nạn nhân bị vi phạm nhân quyền tại Việt Nam khó truy đòi khắc phục pháp lý khi chủ thể vi phạm nhân quyền là giới chức chính quyền vì tình trạng bao che của giới chức và hệ thống tư pháp không độc lập ở Việt Nam.
Qua việc các quốc gia đưa ra các khuyến nghị Việt Nam cần phê chuẩn các Nghị định thư bổ sung của Công ước tại phiên họp UPR, mà trọng tâm là công nhận thẩm quyền điều tra và giải quyết khiếu nại các Ủy ban giám sát Công ước, cho thấy cộng đồng quốc tế thấy rõ tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam thường được bưng bít và không được xử lý triệt để.
Kết luận
Qua một số nhóm khuyến nghị từ UPR nêu trên, có thể thấy cộng đồng quốc tế đưa ra cho Việt Nam những giải pháp tốt, góp phần xây dựng một cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc gia dưới sự hỗ trợ đến từ các cơ quan nhân quyền LHQ. Tuy nhiên, các khuyến nghị này trước đây đã bị Việt Nam từ chối, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị từ chối trong phiên báo cáo kết quả đầu ra UPR của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này rõ ràng cho thấy Việt Nam đến với các phiên điều trần theo cơ chế nhân quyền LHQ bằng một thái độ nghi kỵ và hành xử mang tính đối phó khi thực hiện nghĩa vụ chứ không nhằm mục đích cải thiện và mở rộng nhân quyền tại quốc gia mình. Điều này cũng dễ lý giải khi nhìn vào hệ thống toàn trị tại Việt Nam, khi mà quyền của người dân được thụ hưởng đầy đủ thì khi đó quyền lực của giới cầm quyền sẽ bị thu hẹp lại. Hiểu được hệ thống vận hành và cách thức làm việc của các cơ quan nhân quyền LHQ sẽ giúp ích cho người Việt Nam có thêm phương tiện sử dụng trong quá trình tranh đấu, bảo vệ cho các giá trị chuẩn mực của nhân quyền đang bị “lệch chuẩn” tại Việt Nam.
Chính quyền và Chi Phái 1997 vẫn tiếp tục xâm phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo
Để thu thập các bằng chứng mới nhất về sự vi phạm này, từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 11 năm 2024 vừa qua, một nhóm tám nhà hoạt động nhân quyền của người Cao Đài Chơn Truyền 1926 đã có chuyến đi khảo sát tại nhiều địa phương…
MSFJ và Kế hoạch vận động đưa Việt Nam vào lại CPC
“Chính quyền Việt Nam đã đàn áp quyền tự do tôn giáo của các sắc dân bản địa người Thượng chúng tôi suốt từ năm 1975 đến nay bằng mọi hình thức và mọi thủ đoạn mang tính hệ thống. Sự kiện trầm trọng nhất là họ đã vận động ngoại giao để chính quyền Thái Lan bắt và đang trong kế hoạch giao trả cho họ ông Y Quỳnh Bdap – một thành viên sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) của chúng tôi. Đây là bước đi trong kế hoạch nhằm triệt phá bằng được phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người Thượng bản địa ở Tây Nguyên. Chúng tôi không chấp nhận thua cuộc. Vì vậy, chúng tôi đã và đang thực hiện một kế hoạch để họ phải trả giá. Một trong những mốc điểm mà chúng tôi đặt ra là họ phải bị nêu tên trong danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (Countries of Particular Concern – CPC) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cuối năm nay hoặc năm sau.” Trên đây là lời phát biểu nhấn mạnh song song của ông Y Phic Hdok và ông Quan Van Dau…