BPSOS loan báo chương trình hỗ trợ cộng đồng VRLH
Ngày 15 tháng 1, 2019
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Cuộc cưỡng chế của chính quyền TP HCM, phá nát 112 căn nhà tại khu Vườn Rau Lộc Hưng đang là điểm nóng trong dư luận của người Việt ở trong và ngoài nước. Nhiều cá nhân, nhóm và tổ chức đã lên tiếng. Một số không ít luật sư đã nhận đại diện cho các gia đình nạn nhân trong thủ tục pháp lý. Cũng đã có một số nỗ lực gây quỹ để hỗ trợ đồng bào nạn nhân sống qua những ngày cận Tết.
Riêng tổ chức BPSOS tuần trước đã họp với nhân sự của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế để trình bày về tình cảnh của trên 150 gia đình nạn nhân — họ đã sinh sống qua nhiều thế hệ trên mảnh đất mà Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn đã cấp cho họ cách đây 65 năm. Chúng tôi đang biên soạn bản báo cáo tóm tắt gửi Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ. Chúng tôi cũng đang hình thành nhóm công tác chuyên trách để triển khai kế hoạch dài hạn nhằm hỗ trợ cộng đồng VRLH.
Chúng tôi đặt tên cho kế hoạch này là “Chiến Dịch Công Lý cho Cộng Đồng Vườn Rau Lộc Hưng”, viết tắt là Chiến Dịch “Công Lý VRLH”. Tương tự Chiến Dịch Cứu Giáo Xứ Cồn Dầu và Chiến Dịch Cứu Giáo Xứ Đông Yên mà BPSOS đã phát động trước đây và vẫn tiếp tục cho đến nay, chiến dịch Công Lý VRLH đòi hỏi một kế hoạch chiến lược mang tính dài lâu, với những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và các hoạt động song hành đa diện.
Các mục tiêu trọng tâm
Chiến dịch Công Lý VRLH có 4 mục tiêu trọng tâm tương ứng với 4 giai đoạn thực hiện chiến dịch:
Cư dân VRLH sau khi nhà cửa bị phá sập bởi chính quyền TP HCM (ảnh lấy trên FB của Xuân Ly)
(1) Người dân không còn bị đàn áp hay bị hăm doạ (trong 6 tháng đầu năm 2019);
(2) Nhóm nhân sự chủ lực có khả năng duy trì cuộc đấu tranh trường kỳ (trong năm 2019);
(3) Nạn nhân được bồi thường thoả đáng cho các thiệt hại vật chất và tinh thần (trong 2 năm 2019-2020);
(4) Những cư dân quyết tâm ở lại sẽ bảo vệ được sự trường tồn của cộng đồng VRLH (trong 5 năm tới).
Các lĩnh vực công việc
Việc đề ra trước các mục tiêu cụ thể sẽ tạo định hướng chung cho những nỗ lực riêng rẽ và cung cấp một khung sườn chung cho những ai có ý hướng phối hợp. Để đạt 4 mục tiêu kể trên sẽ cần 5 lĩnh vực công việc sau đây.
(1) Đối phó về pháp lý trong phạm vi luật pháp quốc gia
Hiện nay đã có một số không nhỏ luật sư ở Việt Nam nhận đại diện pháp lý cho một số gia đình nạn nhân. Một số luật sư ngoài cuộc cũng góp kiến thức hoặc chia sẻ các tài liệu liên quan.
Chúng tôi sẽ theo dõi các hoạt động pháp lý ở trong nước và đối chiếu việc thực thi luật pháp của chính quyền thành phố với các cam kết mà nhà nước Việt Nam đã thực hiện với quốc tế về tôn trọng và bảo vệ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá. Sự đối chiếu này sẽ là căn bản cho quốc tế vận.
(2) Vận động quốc tế
Vụ cưỡng chế VRLH vi phạm nhiều lĩnh vực nhân quyền: quyền tự do tôn giáo, quyền văn hoá, quyền có sinh kế, quyền có gia cư, quyền không bị xâm hại tài sản, quyền của cộng đồng thiểu số, quyền không bị bắt giam tuỳ tiện, quyền không bị bạo hành… Cơ hội gần nhất để đòi hỏi nhà nước Việt Nam giải trình về các vi phạm này là cuộc kiểm điểm trong 2 ngày 11 và 12 tháng 3 tới đây của Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ đối với Việt Nam về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Vụ cưỡng chế VRLH nằm gọn trong đề tài cưỡng chế đất của các cơ sở tôn giáo, của các cộng đồng tôn giáo và của các cộng đồng thiểu số mà Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ đã chính thức yêu cầu Việt Nam giải trình tại cuộc kiểm điểm kể trên, kết quả của bản báo cáo chung mà BPSOS đã gửi cho uỷ ban này vào tháng 4 năm ngoái:
https://tbinternet.ohchr.org/…/VNM/INT_CCPR_ICO_VNM_30999_E…. Chúng tôi đang bổ sung bản báo cáo này với thông tin về VRLH.
Song song, chúng tôi cũng cân nhắc việc sử dụng luật Hoa Kỳ về bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ, trong trường hợp có những cư dân trước đây ở khu VRLH nhưng nay đã là công dân Hoa Kỳ.
Để phục vụ cho quốc tế vận, chúng tôi đang biên soạn hồ sơ tổng hợp thông tin về VRLH, gồm các chương:
- Lịch sử quyền sở hữu khu đất
- Các vi phạm luật pháp trong lệnh cưỡng chế phá nhà và quy hoạch sử dụng đất
- Chính sách và các toan tính cưỡng chế kể từ năm 2001
- Vụ việc cưỡng chế ngày 4 và 8 tháng 1, 2019
- Các khía cạnh vi phạm nhân quyền
- Các kiến nghị cho LHQ, các chính quyền quan tâm và nhà nước Việt Nam
Chúng tôi không phải bắt đầu từ đầu vì năm 2017 BPSOS đã thuê 2 tổ hợp luật sư của Hoa Kỳ nghiên cứu về chính sách nhà, đất ở Việt Nam trong chương trình Người Mỹ Gốc Việt Đòi Bồi Thường Tài Sản. Chương III của bạch thư này, liên quan đến chính sách nhà, đất ở Việt Nam, được lưu trữ tại: http://dvov.org/…/BPSOS-White-Paper-on-Land-Expropriations-…
(3) Phát huy nội lực cho cộng đồng cư dân VRLH
BPSOS sẽ hướng dẫn và huấn luyện cho người dân VRLH những kiến thức và kỹ năng về báo cáo vi phạm, tổ chức nhân sự, đối phó với các mối đe doạ, huy động nguồn lực trong và ngoài cộng đồng, vận động trong và ngoài nước, liên kết với các nhóm và nhân sự có khả năng chuyên…
Một số người thuộc nhóm chủ lực cần được trang bị phương tiện truyền thông, cần được huấn luyện theo nhu cầu của tình thế, và cần được yểm trợ dài lâu. Chúng tôi đang hình thành “nhóm kết nghĩa”, gồm những người có lòng ở ngoài cộng đồng VRLH, kể cả ở hải ngoại, để yểm trợ thường xuyên và lâu dài cho họ. Trong quá trình hình thành nhóm kết nghĩa, chúng tôi tuyệt đối tránh những ai liên quan đến bất kỳ một đảng chính trị nào của người Việt ở trong hoặc ngoài nước để không tạo thêm nguy hiểm cho người dân ở VRLH.
Chúng tôi cũng đang tìm những công dân Hoa Kỳ có thân nhân thuộc cộng đồng cư dân VRLH, và sẽ hướng dẫn họ để lên tiếng trực tiếp với các giới chức Hoa Kỳ và tham gia các hoạt động quốc tế vận.
(4) Thông tin trong và ngoài nước
Việc truyền thông có chiến lược là cần thiết để:
- Hướng dẫn người dân ở VRLH biết những gì cần làm trong từng giai đoạn;
- Giúp cho các nhóm hoạt động riêng rẽ phối hợp hành động;
- Cập nhật quốc tế về các diễn tiến ở VRLH để họ can thiệp cấp thời khi cần thiết.
Chúng tôi thông tin qua các trang mạng:
- Tiếng Anh: http://dvov.org
- Tiếng Việt: http://machsongmedia.com; https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights/
(5) Bảo vệ và trợ giúp khẩn cấp những người bị nguy hiểm
Chúng tôi đang lập kế hoạch bảo vệ những cư dân đứng mũi chịu sào và đang bị chế độ đặt vào tầm ngắm. Chúng tôi sẽ sớm giới thiệu họ với các cơ quan LHQ, một số toà đại sứ ở Hà Nội, các cơ quan ngoại giao của một số chính quyền, và một số tổ chức nhân quyền quốc tế. Nhóm kết nghĩa sẽ được huấn luyện để theo dõi sát tình hình và báo động với BPSOS mỗi khi hữu sự.
Các sự kiện sắp đến
Trong tiến trình triển khai chiến dịch Công Lý VRLH, BPSOS sẽ khai thác những sự kiện sau đây:
- Ngày 11-12 tháng 3: Cuộc kiểm điểm của LHQ đối với Việt Nam về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị
- Ngày 11-12 tháng 3: Hội nghị về tự do tôn giáo ở Á Châu – Thái Bình Dương
- Đầu tháng 6: Thời điểm nộp danh sách đề nghị chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu cho chính phủ Hoa Kỳ
- Ngày 9-10 tháng 7: Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2019 ở Quốc Hội Hoa Kỳ
- Tháng 8: Hội nghị về tự do tôn giáo Đông Nam Á
- Tháng 9: Thời điểm nộp danh sách chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu đợt 2
Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ khai thác các cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam và EU – Việt Nam tới đây.
Phân bổ nhân sự
Để thực hiện các công việc kể trên, BPSOS đã thành lập Nhóm Công Tác gồm nhân sự được tuyển từ các đề án khác nhau. Họ đã được đào tạo chuyên về:
- Viết báo cáo vi phạm
- Dịch thuật
- Nghiên cứu luật Việt Nam, Hoa Kỳ, quốc tế
- Quốc tế vận
- Xin trợ cấp khẩn cấp và tạo sinh kế
- Truyền thông
Chúng tôi kêu gọi thêm những người tình nguyện để tiếp tay trong các công việc kể trên. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ huấn luyện.
Nếu có thông tin để chia sẻ, có ý kiến đóng góp hoặc muốn tình nguyện, xin liên lạc: forb@bpsos.org
Chính quyền và Chi Phái 1997 vẫn tiếp tục xâm phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo
Để thu thập các bằng chứng mới nhất về sự vi phạm này, từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 11 năm 2024 vừa qua, một nhóm tám nhà hoạt động nhân quyền của người Cao Đài Chơn Truyền 1926 đã có chuyến đi khảo sát tại nhiều địa phương…
MSFJ và Kế hoạch vận động đưa Việt Nam vào lại CPC
“Chính quyền Việt Nam đã đàn áp quyền tự do tôn giáo của các sắc dân bản địa người Thượng chúng tôi suốt từ năm 1975 đến nay bằng mọi hình thức và mọi thủ đoạn mang tính hệ thống. Sự kiện trầm trọng nhất là họ đã vận động ngoại giao để chính quyền Thái Lan bắt và đang trong kế hoạch giao trả cho họ ông Y Quỳnh Bdap – một thành viên sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) của chúng tôi. Đây là bước đi trong kế hoạch nhằm triệt phá bằng được phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người Thượng bản địa ở Tây Nguyên. Chúng tôi không chấp nhận thua cuộc. Vì vậy, chúng tôi đã và đang thực hiện một kế hoạch để họ phải trả giá. Một trong những mốc điểm mà chúng tôi đặt ra là họ phải bị nêu tên trong danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (Countries of Particular Concern – CPC) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cuối năm nay hoặc năm sau.” Trên đây là lời phát biểu nhấn mạnh song song của ông Y Phic Hdok và ông Quan Van Dau…