Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 25 tháng 12, 2018
Tính đến ngày 23 tháng 12, 2018 BPSOS đã xin được và đã chuyển 233.366 Mỹ kim cho 72 người bảo vệ nhân quyền lâm nguy hay tù đày. Trong đó có những người tham gia các cuộc biểu tình phản đối dự thảo Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu Kinh Tế, những người lên tiếng đòi công lý cho nạn nhân của Formosa, những người phổ biến thông tin về dân quyền và nhân quyền, những người tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo…
Tôi tin rằng đến cuối năm, nghĩa là trong 6 ngày nữa, con số sẽ đạt mức 250.000 Mỹ kim. Như vậy, từ năm 2008 đến nay tổng số tiền trợ giúp qua BPSOS sẽ là 750.000 Mỹ kim cho 236 hồ sơ dù chúng tôi chưa hề kêu gọi gây quỹ cho tù nhân lương tâm và các người đấu tranh nhân quyền lâm nguy.
Tinh thần trách nhiệm
Chúng tôi, BPSOS, quan niệm rằng khi người khác đóng góp tài chính thì họ cũng gửi gắm niềm tin yêu nơi chúng tôi. Do đó, chúng tôi có trách nhiệm sử dụng hiệu quả nhất mỗi đồng tiền tình nghĩa ấy. Trong tinh thần trách nhiệm ấy, chúng tôi chủ trương đi tìm những tổ chức quốc tế có ngân sách tài trợ cho những người đấu tranh bị lâm nguy thay và để dành nguồn lực của cộng đồng cho những công việc mà không ai khác tài trợ.
Năm 2007, cuộc đàn áp nhân quyền gia tăng ở Việt Nam và hàng loạt những người đấu tranh nhân quyền đã ngồi tù hoặc phải đi lánh nạn. Trước tình trạng ấy, năm 2008 chúng tôi bắt đầu đi tìm các tổ chức nhân quyền quốc tế với chương trình trợ cấp tài chánh cho họ. Năm ấy, chúng tôi xin được gần 36.000 Mỹ kim cho 9 hồ sơ. Qua năm 2009, vì đã quen việc, chúng tôi lập được 15 hồ sơ với tổng cấp khoản gần 61.000 Mỹ kim. Tuy nhiên, qua năm 2010 thì tổ chức duy nhất mà chúng tôi nộp đơn xin trợ cấp tạm thời ngưng chương trình trợ cấp.
Năm sau đó, chúng tôi bắt đầu tìm thêm những nguồn khác nữa. Trong những năm 2011-2016, số ngân khoản xin được trồi sụt thất thường, năm thấp chưa đến 14.000 Mỹ kim còn năm cao thì gần 106.000 Mỹ kim. Lý do chính là sự giới hạn về nhân lực – chúng tôi ở BPSOS ai rảnh lúc nào thì lập hồ sơ lúc nấy.
Thách đố cho chính mình
Mùa hè năm 2016, khi một mạnh thường quân và cũng là chủ nhân của một hãng điện tử ở Bắc Virginia ngỏ ý muốn giúp cho những người đấu tranh nhân quyền và dân chủ bị lâm nạn, tôi đề nghị tài trợ 18.000 Mỹ kim cho 1 người làm việc toàn thời để chuyên chú lập các hồ sơ xin trợ cấp. Tôi hứa sẽ “1 vốn 10 lời”. Đây là một thách đố lớn mà chúng tôi tự đặt cho chính mình.
Vị mạnh thường quân này đồng ý mà không thắc mắc gì. Không chỉ giúp tài chánh, người ấy này còn để thời gian phụ giúp việc rà soát và nhuận văn một số hồ sơ xin trợ cấp. Từ tháng 9, 2016 đến cuối năm 2017, số hồ sơ tăng vọt và số tiền trợ cấp đạt gần 181.000 Mỹ kim. Chúng tôi đã vượt qua thách đố.
Sau khi chúng tôi báo cáo thành quả trên báo Mạch Sống của BPSOS, một mạnh thường quân khác, ở Seattle, ngỏ ý muốn đóng góp tương tự. Tôi chia sẻ với người ấy dự kiến sẽ đạt 200.000 Mỹ kim trong năm 2018. Đến ngày 23 tháng 12, số tiền đã vượt 233.000 Mỹ kim và có chiều hướng tiến đến 250.000 Mỹ kim vào cuối năm. Nếu được vậy thì sẽ là “1 vốn 14 lời”. Vượt 25% chỉ tiêu đề ra.
Không chỉ có vậy
Trợ cấp tài chính chỉ là một tác dụng của việc lập hồ sơ. Quan trọng không kém là chúng tôi đã đưa được khá nhiều hồ sơ về những người đầu tranh nhân quyền bị đàn áp đến với các tổ chức nhân quyền quốc tế. Họ đã cùng với chúng tôi can thiệp đòi tự do cho các tù nhân lương tâm và bảo vệ những người đấu tranh bị lâm nạn khác.
Các hồ sơ này cũng góp thông tin cho “Chiến dịch NOW!”, một chiến dịch do BPSOS đề xuất với sự hợp tác của nhiều tổ chức nhân quyền. Qua đó, chúng tôi thu thập thông tin về các tù nhân lương tâm để vận động quốc tế nhằm bảo vệ họ trong tù và đòi tự do cho họ.
Bước kế tiếp, chúng tôi đang lên kế hoạch để quy tụ các thân nhân của những tù nhân lương tâm thành nhóm tương thân tương trợ. Chúng tôi sẽ hướng dẫn họ về các vấn đề pháp lý, hỗ trợ để họ lên tiếng với quốc tế và tư vấn họ về tâm lý nếu cần.
Lời kêu gọi cuối năm
Cho năm 2019, một mạnh thường quân sẵn sàng đóng góp 9.000 Mỹ kim nếu như có những người khác đóng góp tổng cộng 9.000 Mỹ kim còn lại. Khoản tiến này sẽ tài trợ một người làm việc toàn thời để chuyên lập hồ sơ xin trợ cấp cho những người tranh đấu nhân quyền đang bị nguy kịch hay tù đày, và để phối hợp những bước kế tiếp như kể trên.
Chúng tôi kêu gọi sự đóng góp tài chính từ các đồng hương nào tin vào cách làm không ồn ào nhưng hiệu quả của chúng tôi. Mọi đóng góp xin gửi về:
BPSOS/CSD
6066 Leesburg Pike, Suite 100
Falls Church, VA 22041 USA
Hoặc quý vị có thể đóng góp trực tuyến tại: https://www.bpsos.org/donate
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
Ghi chú: Nếu gửi ngân phiếu trước ngày 1/1/2019, quý vị có thể khai trừ thuế cho năm 2018.
Chính quyền và Chi Phái 1997 vẫn tiếp tục xâm phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo
Để thu thập các bằng chứng mới nhất về sự vi phạm này, từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 11 năm 2024 vừa qua, một nhóm tám nhà hoạt động nhân quyền của người Cao Đài Chơn Truyền 1926 đã có chuyến đi khảo sát tại nhiều địa phương…
MSFJ và Kế hoạch vận động đưa Việt Nam vào lại CPC
“Chính quyền Việt Nam đã đàn áp quyền tự do tôn giáo của các sắc dân bản địa người Thượng chúng tôi suốt từ năm 1975 đến nay bằng mọi hình thức và mọi thủ đoạn mang tính hệ thống. Sự kiện trầm trọng nhất là họ đã vận động ngoại giao để chính quyền Thái Lan bắt và đang trong kế hoạch giao trả cho họ ông Y Quỳnh Bdap – một thành viên sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice – MSFJ) của chúng tôi. Đây là bước đi trong kế hoạch nhằm triệt phá bằng được phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người Thượng bản địa ở Tây Nguyên. Chúng tôi không chấp nhận thua cuộc. Vì vậy, chúng tôi đã và đang thực hiện một kế hoạch để họ phải trả giá. Một trong những mốc điểm mà chúng tôi đặt ra là họ phải bị nêu tên trong danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (Countries of Particular Concern – CPC) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cuối năm nay hoặc năm sau.” Trên đây là lời phát biểu nhấn mạnh song song của ông Y Phic Hdok và ông Quan Van Dau…