Hình: Bản thông báo dán tường công khai của chính quyền Indonesia báo cho mọi khách du lịch biết về các thủ tục hành chính phải tuân thủ khi nhập cảnh vào nước họ.

Sáng ngày 9 tháng 4 năm 2025, ông Thích Minh Tuệ (tên giấy tờ pháp lý của Việt Nam là Lê Anh Tú) và khoảng 40 công dân Việt Nam khác đã rời Indonesia kết thúc tám ngày lưu trú tại đất nước này.

Mục đích trước đó của ông Lê Anh Tú và nhóm những người tu hành là muốn được tiếp tục bộ hành và khất thực trên đất nước Hồi Giáo này để gieo duyên Phật Pháp tạo phước báu cho mọi người. Tuy nhiên, cảnh sát Indonesia đã nhiều lần tới để cảnh báo rằng nhóm công dân người Việt không đủ điều kiện để có thể thực hiện những mong muốn tốt đẹp đó. Bởi vì theo luật hiện hành của nước này, để thực hiện một hoạt động mang tính tôn giáo trên đất nước họ, các vị khách ngoại quốc phải hoàn thành bộ thủ tục hành chính thông báo cho họ biết về hoạt động của mình trước khi nhập cảnh ít nhất bảy ngày. Như vậy, sự rời đi là nằm ngoài mong muốn của ông Lê Anh Tú và những người đi cùng đoàn. Điều này đã khiến cho những người Việt hâm mộ ông Lê Anh Tú tỏ ra thất vọng trước cách hành xử của cảnh sát Indonesia. Ông Thân Thành Vũ, một người Việt khá nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến tâm linh, người đã từng tuyên bố trợ giúp phái đoàn của ông Lê Anh Tú nhưng sau đó đột ngột ngừng, đã viết trên mạng xã hội Facebook với nội dung như sau: “Nếu một hành trình vì hoà bình, trí tuệ và an lạc bị cản trở… thì ai là người thiệt thòi?” Từ dòng trạng thái này, nhiều người yêu mến ông Lê Anh Tú đã phẫn nộ lên án lực lượng cảnh sát Indonesia. Họ kết tội lực lượng Indonesia là đã thực hiện những hành vi tội ác. Họ cũng cho rằng lực lượng này đã bắt tay với một thế lực ngầm nào đó để phá hoại chuyến đi tốt đẹp của nhóm ông Lê Anh Tú. Với những người ít gay gắt hơn thì họ cho rằng cảnh sát Indonesia cần phải được giáo dục để hiểu “luật đời không được phép cao hơn luật đạo”

Để đánh giá hành vi của lực lượng cảnh sát Indonesia có xâm phạm quyền tự do tôn giáo của du khách là công dân Việt Nam hay không, chúng ta hãy làm một phép đối chiếu với luật nhân quyền quốc tế.

Quyền tự do tôn giáo của mọi người được ghi nhận tại Điều 18 Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) của Liên Hiệp Quốc. Đây là một nhân quyền quan trọng được diễn giải và cụ thể hoá từ Điều 18 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều ký và tham gia công ước này. Đồng thời cho đến nay cũng chưa có quốc gia nào tham gia nhưng từ chối thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi Điều 18. Điều này khẳng định rằng nội dung của Điều 18 của ICCPR đã đạt được sự minh tường và đồng thuận của hầu hết các quốc gia tham gia công ước

Khoản 1 và 2 của Điều 18 ICCPR khẳng định rằng mọi người phải có quyền tự do về tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Mọi người đều phải được tự do lựa cho niềm tin hoặc tôn giáo cho mình, tự do có hoặc không có, tự do thay đổi niềm tin. Ngoài ra, mọi người cũng đều được tự do biểu đạt niềm tin theo cách mà mình mong muốn. Trong tám ngày kể trên, với nhiều lần tới làm việc với nhóm của ông Lê Anh Tú, các lực lượng cảnh sát khác nhau đều không truy vấn về tên gọi tôn giáo của nhóm. Họ cũng chưa hề yêu cầu nhóm của ông Lê Anh Tú phải chứng minh các vấn đề về tổ chức hành chính, giáo lý và giáo luật của nhóm. Như vậy, có thể khẳng định rằng họ đã tuân thủ Khoản 1 và 2 của Điều 18 trong ICCPR để tuyệt đối tôn trọng những quyền tuyệt đối về niềm tin tôn giáo của nhóm ông Lê Anh Tú.

Biểu đạt niềm tin trong đó có niềm tin tôn giáo cùng nhiều người ở chốn công cộng là một hoạt động khá phức tạp. Sự phức tạp của nó có thể là sự xung đột với các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc ảnh hưởng tới trật tự an toàn công cộng bao gồm dịch bệnh và sức khoẻ cộng đồng, các vấn đề liên quan đến môi trường và những xung đột về văn hoá có tính khế ước của mỗi cộng đồng trong một xã hội đa dạng. Do đó, sự biểu đạt này chỉ có thể là những quyền tương đối. Tuy nhiên, điều tối quan trọng đó là các vấn đề trên không được trở thành lý do để cấm mọi người biểu đạt niềm tin. Vì vậy, Khoản 3 Điều 18 của ICCPR đã có những quy định rất cụ thể chi tiết mà trong đó quan trọng nhất là sự điều chỉnh phải được luật hoá để tránh người thực thi pháp luật diễn giải một cách tuỳ tiện và bất luận trong mọi trường hợp đều không được cấm đoán. Theo nhà báo Nguyen Dan, luật pháp Indonesia quy định mọi đoàn du khách có nhiều hoạt động tập trung đông người cần phải cho họ biết trước về lộ trình di chuyển, nơi ăn ngủ sinh hoạt, trong đoàn phải có nhân viên y tế và người có khả năng xử lý phòng chống cháy nổ. Những quy định này là phù hợp với ICCPR và hợp lý để dự phòng xử lý các tình huống không mong muốn hoàn toàn có nhiều khả năng xảy ra cho mỗi đoàn du khách và xã hội. Việc các lực lượng cảnh sát Indonesia không miễn trừ các quy định nêu trên cho nhóm của ông Lê Anh Tú cần được hiểu là họ đang tuân thủ đúng luật chứ không phải việc gây khó dễ.

Biểu đạt niềm tin tôn giáo theo cách riêng mình là quyền của ông Lê Anh Tú và nhiều người đi cùng. Tuy nhiên, để tránh gặp phải những rắc rối không cần thiết trong hành trình đi xuyên nhiều quốc gia, nhóm ông Lê Anh Tú nên tìm hiểu các quy định của luật nhân quyền quốc tế và luật đời của mỗi quốc gia để việc gieo duyên tạo phước báu được hoàn mỹ.

Ba Khía
Những cách hành xử chuẩn mực của cảnh sát Malaysia với phái đoàn Thích Minh Tuệ

Những cách hành xử chuẩn mực của cảnh sát Malaysia với phái đoàn Thích Minh Tuệ

Kể từ ngày 6 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 2025, ông Lê Anh Tú (thế danh của nhà tu hành Thích Minh Tuệ) và khoảng 40 công dân Việt Nam khác đã có cuộc đi bộ và khất thực dài ngày trên đất nước Malaysia.Trong gần một tháng đó, ông Lê Anh Tú cùng nhóm người Việt kể trên đã đi qua nhiều địa phương khác nhau với quãng đường gần 1000km…

Những quyền của người khuyết tật

Những quyền của người khuyết tật

Người khuyết tật là nhóm những người ít nhiều có những hạn chế hoặc yếu thế trong xã hội. Vì thế, vào năm 2007, Liên Hiệp Quốc đã cho ra đời Công Ước Về Quyền Người Khuyết Tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities – CRPD) nhằm bảo vệ và nâng đỡ nhóm người này…

Pin It on Pinterest