Vài hình ảnh sinh hoạt tôn giáo bộc phát của nhóm ông Lê Anh Tú tại Hải Cảng Quốc Tế Puteri – Malaysia, ngày 2 tháng 4 năm 2025.

Kể từ ngày 6 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 2025, ông Lê Anh Tú (thế danh của nhà tu hành Thích Minh Tuệ) và khoảng 40 công dân Việt Nam khác đã có cuộc đi bộ và khất thực dài ngày trên đất nước Malaysia.Trong gần một tháng đó, ông Lê Anh Tú cùng nhóm người Việt kể trên đã đi qua nhiều địa phương khác nhau với quãng đường gần 1000km.

Vì vậy, chúng ta đã có thời gian và căn cứ để khẳng định và ca ngợi rằng chính quyền Malaysia thông qua đại diện là lực lượng cảnh sát nhiều địa phương đã có cách hành xử rất chuẩn mực với quyền tự do tôn giáo của những người vốn chỉ là khách trên đất nước của họ. Điều này thể hiện họ là những người hiểu rõ ràng và thực hiện chính xác các điều luật nhân quyền quốc tế để vừa giữ được quyền lực quốc gia, và đồng thời vẫn tôn trọng tuyệt đối quyền tự do tôn giáo của mọi người mà ở đây là một nhóm du khách Việt Nam vô cùng đặc biệt. Hãy cùng điểm lại sự chuẩn mực của cảnh sát Malaysia trong cách hành xử:

Thứ nhất, như nhiều người đều biết hình thức đi bộ, khất thực và ép mình trong những điều kiện sống hạn chế không phải là hình thức biểu đạt một niềm tin tôn giáo phổ biến trong đời sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, trong tất cả các buổi làm việc, không một nhân viên cảnh sát Malaysia nào yêu cầu nhóm người Việt giải thích về những hành động của nhóm được quy chiếu theo tôn giáo nào, sinh hoạt trong tổ chức tôn giáo nào và tại sao cần phải thực hành niềm tin tôn giáo như thế? Điều này cho thấy họ đã thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối quyền được tự do lựa chọn và tự do thể hiện niềm tin tôn giáo của nhóm công dân Việt Nam đang lưu trú trên đất nước họ. Điều này xứng đáng để cho chính quyền Việt Nam và bất cứ ai quan tâm tới ông Lê Anh Tú phải lấy đó làm bài học. Bởi vì ngay trên chính quê hương của mình, ông Lê Anh Tú đã từng bị và bây giờ vẫn đang bị chính quyền Việt Nam và các tờ báo của chính quyền Việt Nam tra khảo, mổ xẻ và gán ghép xằng bậy rằng ông không phải là sư (người tu hành theo Phật giáo) bởi ông không phải là người thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Không chỉ vậy, ngay cả những người quan tâm tới ông Lê Anh Tú cũng có không ít người cố gắng đối chiếu và quy nạp xem hình thức biểu đạt niềm tin tôn giáo của ông Lê Anh Tú thuộc đạo hay tôn giáo nào.

Thứ hai, trong một số thời điểm hình thức biểu đạt niềm tin tôn giáo của ông Lê Anh Tú và nhóm đã kéo theo sự tập trung của nhiều người khác, điều này đã dẫn đến sự ảnh hưởng tới an toàn trật tự công cộng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột với quyền và lợi ích của những người khác. Tuy nhiên, không vì thế mà cảnh sát Malaysia thực hiện lệnh cấm mà họ chỉ nhắc nhở và khuyến cáo nhóm công dân Việt Nam cần phải điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh hiện tại. Đỉnh điểm là vào đêm và sáng ngày 2 tháng 4 năm 2025, khi nhóm của ông Lê Anh Tú tụ tập tại công viên và Hải Cảng Quốc Tế Puteri đã diễn ra những buổi đảnh lễ của nhiều người quan tâm làm ảnh hưởng tới các hoạt động chung của các công trình công cộng. Khi đó, cảnh sát địa phương cũng chỉ nhắc nhở yêu cầu đám đông cần giải tán và họ đề nghị nên liên lạc với một cơ sở tôn giáo nào để nghỉ nhờ trong thời gian chờ xuất cảnh. Điều này cho thấy, cảnh sát Malaysia đã thuộc lòng luật nhân quyền quốc tế để hiểu rằng trong bất kỳ tình huống nào cũng không được cấm đoán quyền thực hành niềm tin tôn giáo của bất cứ ai. Họ cũng không áp đặt cách khắc phục tình thế mà để cho nhóm ông Lê Anh Tú tự quyết định. Với cảnh sát, họ chỉ thực hiện quyền lực cảnh báo về các giới hạn nhằm đảm bảo trật tự an toàn công cộng và đảm bảo sự hài hoà giữa quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều bên đang có sự xung đột với nhau. Điều này thêm một lần nữa nhắc nhở chính quyền Việt Nam khi họ đã từng bắt cóc và giảm lỏng trong bí mật ông Lê Anh Tú chỉ vì lý do các hoạt động của ông ấy đã khiến họ lúng túng trong việc giữ gìn trật tự công cộng. Hơn thế nữa, họ còn đưa đám báo chí của mình đồng loạt đăng những bài viết có cùng nội dung công kích các hoạt động có tính tôn giáo của ông Lê Anh Tú.

Nhân đây, xin được giới thiệu lại Điều 18 Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị của Liên Hiệp Quốc tới mọi người qua bản dịch của BPSOS với kỳ vọng mọi người đều phải hiểu rằng mỗi chúng ta đều có quyền tự do về tôn giáo hay niềm tin. Quyền ấy luôn luôn đi kèm với thái độ là phải tôn trọng mọi sự khác biệt trong lựa chọn niềm tin tôn giáo của người khác. Với một chính quyền quốc gia, họ phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi người trong vô điều kiện và sự can thiệp nếu có phải đảm bảo các nguyên tắc không được cấm đoán và phỉ báng người có niềm tin tôn giáo dưới bất kỳ hình thức nào.

Ba Khía
Những quyền của người khuyết tật

Những quyền của người khuyết tật

Người khuyết tật là nhóm những người ít nhiều có những hạn chế hoặc yếu thế trong xã hội. Vì thế, vào năm 2007, Liên Hiệp Quốc đã cho ra đời Công Ước Về Quyền Người Khuyết Tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities – CRPD) nhằm bảo vệ và nâng đỡ nhóm người này…

Pin It on Pinterest