Công an không được phép mời ông Thích Minh Tuệ để làm việc.

Trong hai ngày 4 và 5 tháng 12 năm 2024, đã xuất hiện thông tin về những lá đơn tố giác tội phạm của bà Nguyễn Thị Hoàng và giấy mời làm việc của Công An Huyện Ia Grai với ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) và những người có liên quan. Theo giấy mời của Công An Huyện Ia Grai thì ông Lê Anh Tú và ông Lê Anh Tuấn (anh ruột của ông Lê Anh Tú) phải có mặt tại cơ quan này để làm việc với ông Phó Công An Huyện Hoàng Xuân Trường.

Bà Nguyễn Thị Hoàng là một doanh nhân sống ở Tỉnh Bình Dương. Bà đã gửi những lá đơn của mình tới các cá nhân và cơ quan chức năng ở Sài Gòn, Hà Nội và Gia Lai để tố giác tội phạm. Theo chủ kiến của bà Nguyễn Thị Hoàng, ông Lê Anh Tú và những người có liên quan đã có các hành vi sai phạm pháp luật hình sự bao gồm: xây dựng nhiều công trình kiên cố trên đất nông nghiệp, lợi dụng tôn giáo để trục lợi qua việc làm từ thiện và truyền bá mê tín dị đoan, bịa đặt làm giảm uy tín của lực lượng công an và có sự cấu kết với những thành phần phản động chống phá nhà nước.

Cho đến nay, chúng ta chưa có đủ dữ liệu và căn cứ có tính pháp lý để đánh giá và kết luận về các vấn đề phức tạp liên quan đến hiện tượng thực hành niềm tin tôn giáo khá đặc biệt của ông Lê Anh Tú. Mặt khác, tố giác tội phạm là quyền của mỗi công dân. Quyền này đi kèm với nghĩa vụ và thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự về các thông tin tố giác tội phạm. Vì vậy, chúng ta không cần quá quan tâm tới việc bà Nguyễn Thị Hoàng tố giác đúng hay sai. Điều chúng ta cần quan tâm ở đây là trách nhiệm và quy trình xử lý của cơ quan chức năng phải làm đúng theo luật khi tiếp nhận các đơn tố giác của bà Nguyễn Thị Hoàng.

Vì các đơn của bà Nguyễn Thị Hoàng là các đơn tố giác tội phạm. Do đó, toàn bộ quy trình xử lý những đơn này không được phép làm tuỳ tiện mà phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự và Luật Tổ Chức Cơ Quan Điều Tra Hình Sự hiện hành.

Thứ nhất, trong các hoạt động tố tụng hình sự, Giấy Triệu Tập là biểu mẫu hành chính duy nhất được dùng để triệu tập các đối tượng tham gia tố tụng tới cơ quan tố tụng để làm việc. Do đó, cơ quan Công An Huyện Ia Grai sử dụng giấy mời trong trường hợp này là tuỳ tiện và vi phạm quy định trong hoạt động tố tụng hình sự.

Thứ hai, Theo quy định của Điều 163 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 và Điều 21 Luật Tổ Chức Cơ Quan Điều Tra Hình Sự 06/2021/VBHN thì chỉ có Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Huyện Ia Grai mới có thẩm quyền điều tra sơ bộ về các nội dung do bà Nguyễn Thị Hoàng tố giác liên quan đến xây dựng, các hoạt động bị cho là mê tín, từ thiện và các thông tin bị cho là ảnh hưởng tới uy tín của ngành công an.

Trong khi đó, theo quy định của Điều 163 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 và Điều 17 Luật Tổ Chức Cơ Quan Điều Tra Hình Sự 06/2022/VBHN Chỉ có Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An Tỉnh Gia Lai mới có thẩm quyền điều tra sơ bộ về nội dung được cho là chống phá nhà nước do bà Nguyễn Thị Hoàng tố giác.

Căn cứ theo các điều khoản nêu trên, ông Hoàng Xuân Trường tuy là Phó Công An Huyện Ia Grai nhưng không có thẩm quyền để làm việc với ông Lê Anh Tú và ông Lê Anh Tuấn trong vụ việc này khi đã được xác định mang tính hình sự.

Trong thời gian nhiều tháng qua, dư luận xã hội đã dấy lên những nghi ngờ về việc chính quyền Việt Nam đang tìm mọi cách can thiệp thô bạo vào quyền tự do biểu đạt niềm tin tôn giáo của ông Lê Anh Tú. Do vậy, những hành vi tuỳ tiện và trái pháp luật nói trên của cơ quan Công An Huyện Ia Grai rất có thể là một bước tiến mới của chính quyền Việt Nam trong việc lợi dụng các tình huống pháp lý liên quan để có cớ tấn công và ngăn cản việc thực hành niềm tin tôn giáo của ông Lê Anh Tú.

Ba Khía

Pin It on Pinterest