Nguyễn Hữu Quốc Duy (phải) và Nguyễn Hữu Thiên An tại phiên xử sơ thẩm vào ngày 23.08.2016 ở Khánh Hòa - RFA | social media

Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy đã mãn hạn tù và trở về nhà ở tỉnh Khánh Hoà ngày 27/11/2018 sau ba năm thi hành án vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Bà Nay, mẹ của Duy, đã thông báo bằng điện thoại với một số nhà hoạt động rằng người thanh niên trẻ 33 tuổi này đã rời khỏi Trại giam An Điềm (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) sáng ngày 27/11.

Vì tham gia phong trào thanh niên phản đối chính quyền cộng sản bằng cách viết khẩu hiệu ĐMCS lên tường, Nguyễn Hữu Quốc Duy cùng em họ Nguyễn Hữu Thiên An bị công an tỉnh Khánh Hoà bắt ngày 28/8/2015 và được trả tự do sau đó 3 ngày.

Tuy nhiên, Duy và An bị công an bắt lại vào ngày 27/11/2015 và bị giam giữ để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Duy bị biệt giam cho tới phiên xử sơ thẩm vào ngày 23/8/2016 và bị kết án 3 năm tù giam.

Ngay sau phiên toà, Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Văn phòng Cao Ủy Liên Hợp quốc về Nhân quyền đã bày tỏ sự quan tâm và lo ngại về việc nhà cầm quyền Việt Nam kết án Duy chỉ vì anh đã bày tỏ chính kiến của mình, và kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho Duy.

Ân xá Quốc tế và Now!Campaign, một liên minh của 14 tổ chức dân sự trong nước và quốc tế, xếp Duy vào danh sách tù nhân lương tâm.

—–

Quyền dân sự ở Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng: CIVICUS

Theo báo cáo của tổ chức dân quyền đa quốc gia CIVICUS, quyền dân sự ở Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng.

Trong bản báo cáo công bố ngày 27/11, CIVICUS nói rằng chính quyền độc đảng của Việt Nam đã bắt giữ hàng trăm nhà hoạt động ở Việt Nam như là những biện pháp để củng cố quyền lực và bịt miệng giới bất đồng chính kiến.

Theo bản báo cáo này, cũng như ở nhiều nước khác ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, ở Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự độc lập và người hoạt động phải hoạt động trong một môi trường rất khó khăn với sự hạn chế nghiêm ngặt về không gian dân sự. Kiểm duyệt là một vi phạm dân sự phổ biến ở khu vực này, với việc nhiều chính phủ tiếp tục hạn chế thông tin đến với công chúng, làm câm lặng người hoạt động và tấn công hoặc đàn áp nhà báo vì những bài viết của họ.

Nhiều người hoạt động và cá nhân chỉ trích chính phủ bị bắt giữ và giam cầm hoặc bị sách nhiễu từ chính phủ hoặc tổ chức ngoài chính phủ trong khi người biểu tình bị giải tán bởi lực lượng an ninh. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nhiều nhóm công đoàn, nhóm hoạt động về môi trường và quyền đất đai.

Theo CIVICUS, việc bắt giữ người hoạt động nhân quyền phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam, bao gồm việc biệt giam hoặc giam giữ ngoài các cơ sở giam giữ của nhà nước trong thời gian dài.

CIVICUS nói Việt Nam bắt giữ hơn 100 nhà hoạt động và những người này phải đối mặt với án tù dài hạn, trong đó có ông Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù vì trợ giúp ngư dân đòi Công ty Formosa bồi thường cho vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường biển trầm trọng và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục ngàn người ở ven biển miền Trung.

Cũng theo báo cáo này của CIVICUS, Việt Nam thường xuyên đàn áp người biểu tình ôn hoà và lực lượng an ninh sử dụng những biện pháp bạo lực để giải tán và bắt giữ người biểu tình trong hai năm gần đây, đặc biệt là các cuộc biểu tình phản đối Formosa năm 2016 và dự luật An ninh mạng trong năm 2018.

CIVICUS là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, một liên minh toàn cầu nhằm cổ suý quyền dân sự trên khắp thế giới. Được thành lập vào năm 1993, tổ chức này hiện có các thành viên tại hơn 145 quốc gia, với trụ sở chính tại Johannesburg (Nam Phi) và văn phòng ở London, Geneva và New York.

===== 26/11 =====

Hai tù nhân lương tâm Bùi Văn Trung và Nguyễn Hoàng Nam bị đánh đập, chuyển trại vì phản đối lao động cưỡng bức

Theo tin từ tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm trụ trì chùa Quang Minh Tự thuộc Phật Giáo Hoà Hảo tỉnh An Giang thì hai tù nhân lương tâm, ông Bùi Văn Trung và anh Nguyễn Hoàng Nam bị đánh đập và chuyển đi trại giam xa nhà hơn sau khi họ phản đối việc bị cưỡng ép lao động trong khi thi hành án tù.

Theo đó, ông Bùi Văn Trung bị chuyển đến Trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương còn anh Nguyễn Hoàng Nam bị đưa đi Trại giam Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai. Sau khi bị kết án tù năm ngoái, họ bị giam ở Trại giam Phước Hoà thuộc tỉnh Tiền Giang.

Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm cho biết khi bị chuyển trại ông Trung bị còng tay chân còn người anh Nguyễn Hoàng Nam thì dính đầy máu.

Người tu sỹ này cho biết hai tù nhân lương tâm bị đối xử tàn nhẫn vì họ đã phản đối việc bị buộc lao động khổ sai trong tù và thừa nhận tội.

Trước đó, khi còn bị giam giữ ở Trại giam Bằng Lăng thuộc tỉnh An Giang, Nam đã phản đối việc công an tại cơ sở này đã còng chân ông Bùi Văn Trung rồi chuyển đến Trại giam Phước Hoà. Chính vì việc lên tiếng này mà anh đã bị hai công an dùng roi điện bắn vào mắt của anh. Đến nay anh Nam vẫn còn bị đau mắt và nhức đầu thường xuyên mà không được chữa trị.

Ông Bùi Văn Trung, con trai Bùi Văn Thâm, vợ Lê Thị Hén, con gái Bùi Thị Bích Tuyền, anh Nguyễn Hoàng Nam và cô Lê Thị Hồng Hạnh bị bắt ngày 26/6/2012 tại tư gia của ông Trung trong ngày cúng giỗ cho mẹ của ông. Họ bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và riêng ông Trung và anh Thâm bị thêm cáo buộc “chống người thi hành công vụ.” Trong phiên toà sơ thẩm ngày 09/02/2018, hai cha con ông Trung đều bị kết án 6 năm tù giam, anh Nam bị án 4 năm, cô Hạnh và cô Tuyền mỗi người bị ba năm. Riêng bà Hén bị án treo hai năm. Trong phiên phúc thẩm ngày 24/5, Toà án nhân dân tỉnh An Giang giữ nguyên mức án.

Ông Trung và hai con Thâm, Tuyền cũng như anh Nam và cô Hạnh được coi là tù nhân lương tâm bởi Now!Campaign, một chiến dịch khởi xướng bởi BPSOS và 13 tổ chức dân sự trong và ngoài nước với mục tiêu đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

———————

Sức khoẻ của tù nhân lương tâm Trần Thị Xuân bị suy giảm nghiêm trọng

Sức khoẻ của tù nhân lương tâm Trần Thị Xuân suy giảm nghiêm trọng trong khi thi hành án tù tại Trại giam số 5 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

Trần Tiến, anh trai của cô mới đi thăm cô trong trại giam hôm 18/11và cho biết trong thời gian gần đây cô bị bệnh tim mạch và huyết áp cao, và bị ngất ba bốn lần.

Trong khi đó, phù nề do bệnh suy thận vẫn chưa suy giảm. Thêm vào đó, cô còn bị dị ứng phấn hoa và bị kiến ba khoang cắn, gây ra nhiều vết nám và sẹo nhỏ trên mặt.

Anh Tiến nói anh rất lo cho người em gái của mình vì cô rất xanh xao và ốm yếu do bị thiếu vitamin.

Trần Thị Xuân là một người Công giáo chuyên làm từ thiện thuộc thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Do tham gia Hội Anh em Dân chủ và có những hoạt động phản đối Formosa cũng như hỗ trợ ngư dân- những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì vụ ô nhiễm môi trường trầm trọng ở ven biển miền Trung gây ra bởi xả chất thải độc hại gây của công ty này, cô bị bắt vào ngày 17/10/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999. Sau đó, cô bị kết án với mức án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Chế độ cộng sản đã xử kín cô, gia đình chỉ được thông báo về phiên toà sau khi đã diễn ra. Cô không có luật sư để bảo vệ cho mình.

Sau phiên toà, cô bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam số 5, một cơ sở giam giữ nhiều tù nhân lương tâm.

Tù nhân lương tâm ở Việt Nam thường xuyên bị đối xử tệ bạc, và không được quyền tiếp cận dịch vụ y tế trong khi thức ăn thì không đảm bảo dinh dưỡng.

————-

Quảng Bình khởi tố giáo viên trong vụ tát học sinh đến ngất

Báo chí quốc doanh đưa tin công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án một học sinh bị ngất sau khi bị giáo viên chủ nhiệm và bạn học tát 231 cái tại trường Trung học Cơ sở Duy Ninh, huyện Quảng Ninh.

Theo báo mạng VnExpress, công an huyện Quảng Ninh đã khởi tố vụ án “hành hạ và làm nhục người khác” và đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can.

Trong sự việc này, giáo viên Nguyễn Thị Phương Thuỷ, chủ nhiệm lớp 6.2, có thể phải đối mặt với án tù cao nhất là 3 năm nếu bị toà chứng minh là có tội.

Bà Thuỷ, 41 tuổi, là giáo viên dạy Toán và Công nghệ. Chiều ngày 19/11, để trừng phạt học sinh Hoàng Long Nhật về cáo buộc nói bậy, bà đã yêu cầu 23 học sinh khác của lớp tát người học sinh này mỗi người tát 10 cái. Thuỷ là người tát cái tát thứ 231.

Sau khi bị tát, Nhật bị chấn thương nặng, phải nằm viện 3 ngày để điều trị do sưng má và ảnh hưởng tinh thần.

Giáo viên Thuỷ đã thừa nhận việc làm của mình là sai trái, nói rằng đưa ra kỷ luật này vì áp lực thi đua do lớp thường đứng cuối bảng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã thành lập một tổ công tác để điều tra sự việc này và cũng sẽ làm rõ liệu trước đó giáo viên Thuỷ có áp dụng hình thức phạt tương tự lên học sinh khác.

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam lại bị nêu đích danh

Cuối tháng 9 vừa qua, Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho tín đồ Tin lành người Thượng Y Thinh Niê ở Việt Nam, người được cho là đang bị mất tích sau khi bị chính quyền giam giữ do các hoạt động tôn giáo của mình. ..

Pin It on Pinterest